Lâu nay, trong thực thi công vụ xuất hiện nhiều loại “bệnh” trầm
kha, khó chữa, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính và niềm
tin của nhân dân, là một phần của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Một trong những “bệnh” điển hình là tranh công, đổ lỗi, trốn trách nhiệm. Trị
“bệnh” này tận gốc đã trở thành vấn đề rất cấp thiết hiện nay.
Tranh công trạng, tranh thành tích thường xảy ra ở các cơ quan,
ngành có nhiều bộ phận khác nhau và ít gây ồn ào trên phương tiện truyền thông
nên dư luận khó nhìn thấy. Phổ biến nhất là hiện tượng lấy số liệu, thành tích
chung của cơ quan, đơn vị, địa phương để tô hồng cho kết quả công tác riêng của
đơn vị, của ngành, dù sự đóng góp chỉ dừng ở mức độ hạn chế. Ví dụ điển hình
nhất là hiện tượng các tổ chức quần chúng báo cáo kết quả hằng năm rất kêu,
nhưng thực chất việc tổ chức hoạt động không có gì mới ngoài mấy buổi gặp mặt,
giao lưu…, còn nhiệm vụ xung kích vào “khâu khó, việc khó” thì chẳng thấy đâu.
Cùng với hiện tượng tranh công là thói đổ lỗi, trốn tránh trách
nhiệm. Biểu hiện cụ thể là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương
thường trốn trách nhiệm bằng cách khéo léo “chuyền sự vụ” cho hoàn cảnh, đổ lỗi
cho cấp dưới, vin vào lý do cơ chế hoặc do sự phối hợp chưa nhịp nhàng và những
nguyên nhân khác. Ví dụ, khi nhiều vụ tai nạn giao thông do xe khách giường nằm
xảy ra, hiện tượng cháy xe khi tham gia giao thông liên tục xuất hiện thì một
số người đứng đầu ngành Giao thông đổ cho ý thức người tham gia giao thông, ý
thức của chủ phương tiện kém hay hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu
phát triển. Ấy thế nhưng, khi một loạt các cán bộ ngành Đăng kiểm khắp cả nước
bị khởi tố để điều tra thì mới thấy tình trạng “có đăng kiểm cũng như không”
tồn tại dai dẳng nhiều năm qua. Từ đây, hiện tượng phương tiện giao thông không
đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn thỏa sức lưu hành và gây tai nạn, gây cháy mới được
lý giải là có thể do những yếu kém, tiêu cực của cơ quan quản lý. Dư luận đặt
câu hỏi là, vì sao người đứng đầu, cơ quan chủ quản cấp trên không phát hiện ra
tiêu cực, “cấp phép sai”. Hơn nữa, hằng năm qua, những cán bộ, đảng viên vừa bị
khởi tố ở các cơ quan ấy vẫn đạt các danh hiệu thi đua, được khen thưởng, được
đánh giá là đảng viên hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ và tổ chức Đảng đạt
trong sạch, vững mạnh.
Đứng trước hiện tượng ấy, khi chưa có bất cứ một tổ chức, cá
nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm, thì đã có cán bộ đổ lỗi do nhân dân đưa
tiền, làm hư cán bộ đăng kiểm. Đây là lời ngụy biện. Bởi thực tế, nếu tất cả
cán bộ đăng kiểm không tư lợi, cùng làm đúng quy định, quy trình công tác và
nếu người dân có “đút lót” nhưng kiên quyết không cầm thì chẳng có sự việc ấy
xảy ra…
Thực tế cho thấy, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cùng
cấp trong hệ thống chính trị ở nước ta có ưu điểm là tạo sự minh bạch, huy động
sức mạnh tổng hợp, tránh độc quyền trong thực thi. Tuy nhiên, cơ chế này nảy
sinh tình trạng tranh công, đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm và không phát huy
được vai trò giám sát nên không ít nhiệm vụ không hoàn thành mục tiêu, dẫn đến
có những dự án phát triển kinh tế - xã hội chết yểu, gây thất thoát lãng phí…
Trước vấn đề này, Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ
thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” đã đặt ra mục tiêu tăng cường kiểm soát quyền lực trong công
tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả. Đây cũng là cách để ngăn chặn hiện
tượng tranh công, đổ lỗi, trốn trách nhiệm.
Muốn kiểm soát quyền lực cán bộ trong lĩnh vực công hiệu quả thì
vấn đề tiên quyết là cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ
theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, dân chủ, có tiêu chí và thông qua
sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm
vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò người đứng đầu trong tham
mưu, quản lý nhà nước về các lĩnh vực được đảm nhận. Tăng cường kiểm tra đột
xuất; miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp,
mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Mặt khác, cần mở rộng dân chủ, minh bạch thông tin, thực hiện
tốt quy định của pháp luật về việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, qua
đó phát hiện những biểu hiện tiêu cực để có biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho
rằng, bệnh hẹp hòi là nguyên nhân sinh ra các bệnh khác, nó nâng đỡ chủ nghĩa
cá nhân. Người viết: “Có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không
thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của
bộ phận mình”. Người coi những bệnh đó là một loại giặc: “Địch bên ngoài không
đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta
phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”.
Thấm nhuần quan điểm của Đảng và chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, để không bị nhiễm “bệnh” tranh công, đổ lỗi, trốn trách nhiệm và những
bệnh khác thì cần thực hiện tốt chủ trương “rõ quy trình, rõ người, rõ việc, rõ
trách nhiệm” trong thực thi. Bởi kết quả công tác thực chất của cá nhân, tập
thể trong hệ thống chính trị là cơ sở để khẳng định uy tín, củng cố niềm tin
với nhân dân.
Khi “đạo” đã sáng, khi có những cán bộ, đảng viên tiên phong,
tâm huyết, liêm khiết dẫn dắt nhân dân đi trên “đường quang” thì cơ đồ đất
nước, dân tộc mới vững bền./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét