Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC BÀI XÍCH VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG


Trong xu thế toàn cầu hóa, để phát triển nhanh và bền vững, mỗi quốc gia, dân tộc đều phải biết phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làm động lực tinh thần, nguồn lực nội sinh để tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài và biến các nguồn lực đó trở thành sức mạnh cho sự phát triển bền vững. Ở Việt Nam, Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Tập trung nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam…” (1). Như vậy, văn hóa truyền thống của dân tộc đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo đà cho sự phát triển, duy trì sự phát triển bền vững, đồng thời, điều tiết có hiệu quả sự phát triển đó trên đất nước ta.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, những tinh hoa, giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã được hun đúc, vun đắp và trở thành truyền thống quý báu đó là: “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”(2). Những giá trị văn hóa truyền thống này đã cố kết những người dân nước Việt thành một cộng đồng thống nhất trong mọi hoạt động sống, lao động, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Những năm gần đây, thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa truyền thống. Sự chống phá này đã tạo ra hệ lụy không hề nhỏ, là một thứ “giặc nội xâm” đã và đang làm băng hoại thuần phong mỹ tục, giá trị truyền thống của dân tộc mà biểu hiện của nó được thể hiện qua các nội dung như: Tệ sính ngoại, coi thường những giá trị văn hóa truyền thống; đề cao lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất cá nhân; ham muốn làm giàu, ham muốn quyền lực cực đoan,… Chúng triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội trên Internet. Do vậy, để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống do các thế lực thù địch tiến hành trên không gian mạng cần phải nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn của chúng trên các khía cạnh cụ thể sau:

Xét về mục tiêu và lực lượng tiến hành

Mục tiêu của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa bao gồm hai điểm chính, đan xen, hỗ trợ và có quan hệ chặt chẽ với nhau đó là:

Thứ nhất: Truyền bá, tiêm nhiễm các sản phẩm văn hóa ngoại lai có tính chất xấu độc, làm xói mòn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích những ham muốn vật chất của mỗi công dân; từng bước làm thay đổi các thang giá trị xã hội, đạo đức, lối sống, làm cho một bộ phận nhân dân thiếu ý thức xã hội; chạy theo lợi ích vật chất, chỉ biết đến “cái tôi” mà quên đạo nghĩa, quay lưng lại với truyền thống và những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Thứ hai: Từng bước phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa là tự do sáng tạo, không cần tính định hướng và xa rời chính trị; từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, phản bội Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa. Những biểu hiện cho xu hướng này khá đa dạng, có chiều hướng gia tăng, mà một trong những ví dụ điển hình là sản phẩm của Mai Duy Minh rất phản cảm và gây tranh cãi gần đây:

Bức tranh phản cảm của Mai Duy Minh vẽ về hình ảnh chiến sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Lực lượng tiến hành những luận điệu xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống của dân tộc trên không gian mạng là các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, thoái hóa biến chất. Chúng vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển các lực lượng và phương tiện ở trong nước, tạo ra sự chống đối từ xã hội, từng bước làm cho nhân tố chống đối bên trong phát triển để tập hợp lực lượng phá ta từ bên trong nội bộ Đảng và xã hội ta.

Xét về mặt nội dung và đối tượng tác động

Về nội dung xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống của dân tộc do các thế lực thù địch tiến hành trên không gian mạng có sự tương đồng và thống nhất với mục đích của chúng, cụ thể là: Tập trung phá hoại văn hóa truyền thống của dân tộc, văn hóa cách mạng, các chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa, tìm mọi phương thức để du nhập các sản phẩm văn hóa độc hại, đồi trụy, phản động, nhằm đầu độc nhân dân nói chung, thế hệ thanh niên nói riêng, làm chuyển đổi giá trị thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật, các thang bậc giá trị của xã hội theo chiều hướng xấu; âm mưu biến thế hệ trẻ thành công cụ và lực lượng xã hội chủ yếu của “diễn biến hòa bình” và chống phá quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực văn hóa.

Đối tượng tác động mà chúng hướng tới là quần chúng nhân dân, trước hết là thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình, đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách, dễ dàng chạy theo cái mới, bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, còn ít kinh nghiệm sống. Chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiêu trò thâm hiểm; đặc biệt là chiến thuật “tâm công” theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để đánh vào lòng người được thể hiện cụ thể qua các hình thức và thủ đoạn dưới đây:

Về hình thức và thủ đoạn tiến hành

Theo số liệu thống kê được tham khảo từ Statista.com năm 2021, Việt Nam có số lượng dùng mạng xã hội vào khoảng 73,6 triệu người, sấp xỉ 74% dân số, xếp thứ 6 ở châu Á và thứ 17 trên thế giới. Trong đó: người dùng Facebook là 65,56 triệu; YouTube khoảng 66,63 triệu người; TikTok có số lượng khoảng 16,69 triệu người; người dùng Instagram đạt khoảng 7,98; dùng của LinkedIn lên tới 3,75 triệu; dùng Zalo đạt 62 triệu người, Zalo là một ứng dụng tin nhắn nhanh và là một trong những công ty công nghệ thành công nhất trong nước. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và dịch vụ Internet ở Việt Nam như hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để sử dụng không gian mạng để xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống của dân tộc với rất nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Trên nền tảng của mạng xã hội, các thế lực thù địch đã thành lập các trang website, các chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Việt qua các kênh như BBC, VOA, RFA, RFI; lập hàng nghìn Blog, trang Facebook, twitter, youtube, zalo để livestream, tung clip, đăng tải các nội dung xuyên tạc, bài xích; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trực tuyến hoặc qua tiếp xúc với các cá nhân, cơ quan trong nước. Các kênh phát thanh, phát hình trên không gian mạng được chúng tạo giao diện như thật, mô phỏng theo các kênh chính thống của Đảng, Nhà nước như VTV; VOV, VTC,… nhằm lập lờ, lộn sòng đen trắng, nhào nặn trộn lẫn các thông tin đúng - sai, thật - giả; viết bài, livestream để tán dương, cổ vũ lẫn nhau trong một “thế trận” có “kịch bản”, đánh vào nhận thức, tâm lý “đám đông” theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “góp gió thành bão”; đưa thông tin giật gân, lấp lửng giật tít, “câu view” nhằm đánh trúng tâm lý tò mò của nhiều người, gây tâm lý bi quan, hoài nghi, hoang mang trong dư luận.

Trong tập hợp lực lượng, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị thường đội nốt “người yêu nước”; “nhân danh nhân dân”; “yêu văn hóa” và có trách nhiệm xã hội để đưa ra góc nhìn phiến diện, bình luận, chê bai, đả kích các hoạt động, thiết chế liên quan đến văn hóa truyền thống; cổ xúy, tôn vinh các sản phẩm văn hóa có “tư tưởng chống đối” ở trong nước và các sản phẩm văn hóa ngoại lai thiếu lành mạnh. Chúng dùng nhiều thủ đoạn rất nham hiểm và thường qua 4 bước gồm: (1). Đồng cảm: chúng đóng vai “một người lạ” để tiếp xúc với một bộ phận người nghèo, lao động thất nghiệp, những phần tử thoái hóa biến chất, cơ hội chính trị và cả những người đã từng vi phạm pháp luật, rồi giả nhân, giả nghĩa, vờ đồng cảm, tự cho mình “đại diện” để nói lên tiếng nói cho họ, dựng lên bức tranh bi thảm về một xã hội bất công rồi kích động người dân đấu tranh với chính quyền để đòi công bằng. (2). Tôn vinh: Chúng vờ coi những người có tư tưởng bất mãn, chống đối ở lĩnh vực văn hóa là những người đúng đắn, cấp tiến, đại diện của nền văn hóa hiện đại, rồi tổ chức tọa đàm, livestream để tôn vinh hoặc trao những “giải thưởng” thiếu kiểm duyệt và không có giá trị để cổ vũ, tôn vinh. (3). Dụ dỗ, mua chuộc: sau khi vờ đồng cảm và tôn vinh, các thế lực thù địch sẽ tìm mọi cách để dụ dỗ, mua chuộc đối tượng mà chúng hướng tới. Sự dụ dỗ, mua chuộc được thực hiện bằng cả vật chất, tinh thần, cũng như những viễn cảnh tốt đẹp do chúng tạo dựng lên. (4). Khống chế: sau khi bị dụ dỗ, mua chuộc, những đối tượng này sẽ bị các phần tử phản động từng bước khống chế, nói và làm theo ý muốn của chúng kể cả những hành vi chống đối, đi ngược lại quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa truyền thống của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét