Sau hơn 1 tuần tham gia công tác cứu nạn
cứu hộ tại thành phố Adiyaman của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sự nhiệt tình và chuyên
nghiệp của các thành viên đoàn cứu nạn cứu hộ Việt Nam đã được các lực lượng cứu
hộ Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế đánh giá cao.
Khi gặp các thành viên của đoàn, những người dân địa
phương luôn để tay phải lên ngực trái để thể hiện sự cảm động và biết ơn đối
với những lực lượng cứu nạn cứu hộ của Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát
phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), Trưởng đoàn công tác, chia
sẻ rằng công tác của đoàn cứu nạn cứu hộ Việt Nam tại Thổ nhĩ Kỳ hiện đang thực
hiện theo hướng sử dụng các thiết bị chuyên dụng được mang từ Việt Nam sang.
Đó là những thiết bị khoan cắt bê tông, thiết bị dò tìm
nạn nhân bằng sóng radar, cũng như thiết bị dò tìm nạn nhân bằng camera và âm
thanh. Đoàn cũng đang đồng thời kết hợp với các phương tiện cơ giới hiện có tại
địa phương như máy xúc, máy cào, máy cẩu để phục vụ việc di dời, phá vỡ những
tấm bê tông tại những khu vực có người bị nạn.
Về những thuận lợi và khó khăn khi tham gia hoạt động tìm
kiếm, cứu nạn một thảm họa thiên tai nghiêm trọng, xảy ra ở rất xa lãnh thổ
Việt Nam, Đại tá Nguyễn Minh Khương nêu rõ rằng khi sang Thổ Nhĩ Kỳ, về cơ bản,
đoàn công tác cứu nạn cứu hộ của Việt Nam có được nhiều thuận lợi, được sự hỗ
trợ, giúp đỡ và hướng dẫn cụ thể của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng
như các đơn vị tình nguyện của nước sở tại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn nhất định
liên quan đến điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt so với tại Việt Nam. Thời
tiết ban ngày tại khu vực cứu trợ đối với anh em cán bộ, chiến sĩ không phải là
vấn đề lớn. Tuy nhiên, ban đêm quả là một thách thức vì nhiệt độ xuống tới âm 6
- âm 7 độ C, trong khi các cán bộ, chiến sĩ phải ngủ trong lán trại dựng ngoài
trời.
Ngoài ra, bất đồng ngôn ngữ cũng là một yếu tố gây khó
khăn cho việc hiểu và thống nhất những phương án đưa ra của các lực lượng phối
hợp với nhau. Tuy nhiên, các lực lượng phối hợp tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các lực
lượng quốc tế tham gia cứu nạn cứu hộ đều có tinh thần chung, nên chỉ sau một
thời gian rất ngắn, tất cả đều hiểu nhau và phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Điều khiến các thành viên trong đoàn công tác rất vui là
phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đoàn quốc tế tham gia công tác cứu nạn cứu hộ cùng
đoàn Việt Nam đều đánh giá rất cao sự nhiệt tình và sự chuyên nghiệp của các
lực lượng cứu nạn cứu hộ Việt Nam.
Tất cả thể hiện ở việc đoàn Việt Nam sử dụng hiệu quả các
thiết bị chuyên dụng, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt
là sự chuyên nghiệp trong sử dụng các thiết bị banh, cắt thủy lực, tìm kiếm
bằng camera hình ảnh và âm thanh, sử dụng các thiết bị liên quan đến kích, nâng
để có thể tách những khối bê tông để phục vụ cho việc cứu nạn cứu hộ.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham
gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai phối hợp cùng nhiều
quốc gia khác và đã giải cứu được nhiều nạn nhân ngay trong ngày công tác đầu
tiên. Đoàn công tác cứu nạn cứu hộ Việt Nam hiện tiếp tục thực hiện đào bới,
tìm kiếm dưới các đống đổ nát, các tòa nhà bị sập để tìm, giải cứu người mắc kẹt
trong thảm họa động đất ngày 6/2./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét