“Đề Cương văn hóa Việt Nam” là
văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa; có ý nghĩa khai
sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển. Đề cương đã định hướng toàn
diện và sâu sắc những vấn đề có tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm,
nhiệm vụ và phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dậm đà bản
sắc dân tộc.
Dấu ấn đặc sắc của “Đề Cương hóa Việt Nam” là chỉ rõ tính chất phản
động của “chính sách văn hóa ngu dân”, “đầu độc dân” và “sự tàn bạo của thực
dân Pháp và phát xít Nhật”. Qua đó, trình bày những định hướng lớn để xây dựng
nền văn hóa mới. Đồng thời, trang bị lý luận cơ bản cho cán bộ, chiến sĩ làm
công tác văn hóa - tư tưởng của Đảng. Đề Cương khẳng định: Văn hóa là một mặt
trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cùng với mặt trận kinh tế và
chính trị, mặt trận văn hóa phải đưa được đường lối của Đảng đến cán bộ, chiến
sĩ và nhân dân nhanh nhất, hiệu quả nhất; xây dựng được văn hóa cách mạng, tiến
tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng xã
hội chủ nghĩa. Nhờ có Đảng lãnh đạo, văn hóa đã thật sự “lột xác”, phục vụ ngày
càng tốt hơn nhiệm vụ cách mạng; không ít văn nghệ sĩ đã dám trút bỏ “bộ cánh
ủy mị, thướt tha”, tâm hồn “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, quay về với đời
thực, đi theo cách mạng, tích cực tham gia kháng chiến, chống quân xâm lược.
Nội dung của bản Đề cương rất cô đọng, sâu sắc, toàn diện, có tư tưởng
lớn, tầm nhìn xa, trông rộng, nhất là 3 nguyên tắc chỉ đạo xây dựng nền văn hóa
mới; có tác dụng định hướng, chỉ đạo xuyên suốt các cuộc kháng chiến chống quân
xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó được cập nhật, bổ sung một số điểm
mới, mang tính bộ phận, còn mặt đường lối, phương hướng trong nội dung cốt lõi
thì nhất quán, được giữ nguyên bản cho tới bây giờ.
Giá trị, ý nghĩa của bản Đề cương thể hiện sâu sắc ở sự khái quát cô
đọng của Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Bởi vì, văn hóa đã, đang
tích cực tham gia vào đời sống mới, sửa chữa thói hư, tật xấu cho cán bộ, chiến
sĩ, văn nghệ sĩ; chống tham ô, lãng phí, tiêu cực; làm cho dân tộc gắn bó, đoàn
kết hơn, góp phần nâng cao ý thức tự lực, tự cường; nâng cao dân trí, đào tạo
nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, chấn hưng dân khí.
Tinh thần ấy trở thành nền tảng đạo đức xã hội và ý chí quyết tâm “thà
hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”,
đã quy tụ, tập hợp, phát huy và nhân lên sức mạnh của các lực lượng kháng
chiến, kiến quốc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Không có bản Đề cương và
văn hóa cách mạng, chúng ta không thể giành thắng lợi trong các cuộc kháng
chiến chống quân xâm lược, tiến hành công cuộc đổi mới thành công, giành những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, có cuộc sống hạnh phúc ngày nay.
Thành tựu của văn hóa cách mạng thật to lớn, được Đảng ta khẳng định
tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 75 ngày 24-11-2021. Với ý nghĩa là “Hội
nghị Diên Hồng” về văn hóa, Đảng ta đã đánh giá thực trạng, kết quả xây dựng
văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới, khái quát những bài học kinh
nghiệm về sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hoạt động xây dựng, phát
triển nền văn hóa cách mạng.
Chiều sâu của sự khẳng định ấy tỏa sáng giá trị tư tưởng nhân văn của
bản Đề cương đối với việc chỉ đạo hoạt động văn hóa - xã hội, nhất là việc xây
dựng, phát triển và hoàn thiện lý luận về nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc”; khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách phát triển văn hóa
trong thời kỳ mới; coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề quan trọng để
phát triển, hoàn thiện nhân cách con người với những phẩm chất tốt đẹp, hướng
đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa
học; thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển
kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét