Gần đây, các thế lực thù địch liên tục
đưa ra các luận điệu xuyên tạc tính chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam. Chúng cho rằng, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản độc quyền kiểm
soát, sự độc đảng kéo theo nhiều thứ độc tài, độc đoán, chuyên quyền; rằng,
trên nền độc tài đó, xã hội Việt Nam đương đại không có tự do dân chủ, Chính
phủ Việt Nam ngăn cấm tự do thông tin, tự do hội họp, tự do báo chí, tôn giáo
(!). Thông qua những luận điệu xuyên tạc trắng trợn này chúng muốn tạo sự đối
lập giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam; chia rẽ Nhà nước với các tổ chức chính trị, xã hội trong hệ thống chính
trị đất nước; chia rẽ Nhà nước với nhân dân.
Cần thấy rằng, hiện nay trên thế giới
có nhiều mô hình nhà nước. Nhà nước dân chủ nhân dân, ở đó, quyền lực thuộc về
nhân dân mà quốc hội là người đại diện. Nhà nước quân chủ nghị viện, ở đó, nhà
vua là người đứng đầu quốc gia nhưng không nắm thực quyền. Nhà nước cộng hoà
tổng thống, ở đó, tổng thống là nguyên thủ quốc gia, có quyền lực rất lớn không
chỉ về hành pháp mà cả về lập pháp và tư pháp... Như vậy, dân chủ được thực
hiện thông qua nhiều mô hình nhà nước. Do vậy, việc lấy một mô hình nhà nước nào đó để làm căn cứ phê phán có dân chủ
hay không dân chủ là khiên cưỡng, áp đặt phi lý. Mặt khác, hiện tại mô hình
một đảng lãnh đạo nhà nước không phải chỉ có ở Việt Nam và các nước xã hội chủ
nghĩa, mà còn có ở các quốc gia dân tộc không đi theo con đường xã hội chủ
nghĩa như Êritơria, Ghi nê, Mônacô.
Thực tiễn lịch sử và toàn cảnh thế giới đương
đại cho thấy, không thể lấy tiêu chí một đảng cầm quyền hay đa đảng là cơ sở,
và càng không thể là cơ sở duy nhất để xem xét chất lượng nền dân chủ của một
quốc gia, dân tộc. Ngay trong hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa cũng có những
mô hình nhà nước khác nhau. Một số nước như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật,…tổ chức
hệ thống chính trị theo hình thức đa đảng; thường là hai đảng trở lên có cơ hội
trở thành đảng cầm quyền hoặc tham gia vào liên minh cầm quyền. Song, trong
thực tế, hệ thống chính trị và các nhân vật cầm quyền nhà nước đều do một tập
đoàn chính trị đầu sỏ và các tổ chức kinh tế tư bản thao túng; các tổ chức này
có liên quan mật thiết với nhau về chính trị, kinh tế; cùng chi phối chính sách
phát triển đất nước theo hướng mở rộng ảnh hưởng, củng cố sức mạnh, quyền lực
và rốt cục phục vụ cho lợi ích của họ. Dù rằng ở nhiều nước tư bản hiện nay, do
áp lực đấu tranh của nhân dân, giai cấp
tư sản buộc phải điều chỉnh, cải cách dân chủ ở những mức độ nhất định. Họ
buộc phải công nhận các lực lượng đối lập, kể cả các đảng cộng sản; song về bản chất, chế độ dân chủ đó vẫn là dân
chủ tư sản bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản.
Bám lấy một số hiện tượng được coi như
“thành tựu” của cải cách dân chủ, các lý luận gia tư sản không ngớt ca ngợi chế
độ tam quyền phân lập ở Mỹ, coi đó là nền dân chủ hoàn chỉnh. Tuy nhiên, chúng
ta thấy rằng, trong thực tế ở Mỹ có nhiều đảng chính trị, nhưng rốt cục quyền
lực chỉ thuộc về hai đảng - Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà thay nhau cầm quyền.
Cả hai đảng này đều là đại diện cho những tập đoàn tư sản Mỹ, họ vừa tranh
giành, vừa thoả hiệp để cùng nhau thực hiện dân chủ cho giai cấp tư sản, vì
giai cấp tư sản Mỹ. Ở họ có sự thống nhất cao trong xác định và góp phần thiết
lập, củng cố những mục tiêu chiến lược của nước Mỹ: thứ nhất, nước Mỹ phải có được quyền lực để giữ gìn an ninh của
mình; thứ hai, nước Mỹ phải đủ sức
thiết lập và lãnh đạo trật tự thế giới; thứ
ba, đem lại sự phồn vinh cho nước Mỹ theo nguyên tắc tư bản chủ nghĩa và thứ tư, áp đặt các giá trị tự do, dân
chủ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cho toàn thế giới (1). Thực tế này góp thêm một
minh chứng, chế độ một đảng hay đa đảng chỉ là hình thức trực tiếp của thực
hành dân chủ. Ở các nước phương Tây, tuy thực hiện chế độ đa đảng, nhưng chỉ có
đảng nào chấp nhận con đường tư bản chủ nghĩa, có đủ uy lực đại diện và mang
lại lợi ích cho những tập đoàn tư sản hay giới tài phiệt thì mới có cơ hội cầm
quyền. Như vậy, đa đảng đua tranh ảnh
hưởng, quyền lực chỉ là hình thức; bảo đảm sự độc tôn thống trị xã hội và lợi
ích của giai cấp tư sản mới là nội dung cốt tử không bao giờ thay đổi ở các
quốc gia tư bản chủ nghĩa.
Xem xét một quốc gia dân tộc nào đó có
dân chủ hay không dân chủ, suy cho cùng, vấn đề cốt tử nhất là xem nhà nước đó
có thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân hay không; hệ thống pháp luật
của nhà nước đó có bảo đảm thực thi quyền lực chính trị của nhân dân hay không?
Lý luận Mác - Lênin và thực tiễn lịch sử đã minh chứng, dân chủ xã hội chủ
nghĩa là sự phát triển về chất so với các hình thức, chế độ dân chủ trước đó.
Vì nền dân chủ này nhằm tiến tới giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và
giải phóng con người. Dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là sự thể
hiện quyền con người của cá nhân và cộng đồng ở mức cao nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét