Với mưu đồ gây chia rẽ nội bộ, làm cho Đảng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” từ bên trong, các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, xuyên
tạc, chống phá Đảng ta, nhất là lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng để
dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên,
qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân
gây mất an ninh, trật tự... hòng hạ bệ uy tín của cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết
trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với Nhân dân. Trước tình
hình đó, một trong những điều kiện tiên quyết là mỗi cán bộ, đảng viên, người
dân phải nhận diện được những quan điểm sai trái, âm mưu của các thế lực thù
địch nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng để có những biện pháp đấu tranh,
bảo vệ Đảng một cách thiết thực nhất.
Từ lâu, các thế lực thù địch, phản động luôn rêu rao lập luận cho rằng chế
độ chính trị ở Việt Nam là chế độ đảng trị, độc tài, độc đoán, độc quyền... Lập
luận này được các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn trong nước và các nhóm phản
động ở nước ngoài thường xuyên truyền bá nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để che dấu ý đồ sâu xa, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, cơ hội,
bất mãn, suy thoái về tư tưởng, chính trị kiến nghị bỏ Điều 4 trong Hiến pháp
2013 thường đưa ra những lập luận nghe có vẻ “bùi tai” như “xã hội muốn dân chủ
phải thực hiện đa nguyên, đa đảng, các đảng thay nhau nắm quyền”, hoặc “cho
phép tồn tại một đảng đối lập là có lợi cho việc giám sát đối với đảng cộng sản
và chính phủ”.
Lập luận của chúng thực chất là muốn Việt Nam đi theo chế độ chính trị của
các nước tư bản. Chúng luôn coi mô hình dân chủ tư sản là hình mẫu mọi quốc gia
phải học theo. Chúng ta đều biết rằng, ở các nước tư sản, gọi là chế độ đa đảng
nhưng thực chất chỉ tồn tại vài đảng chính và đó đều là các đảng của giai cấp
tư sản thay nhau nắm quyền. Thừa nhận đảng đối lập là tự xóa bỏ nền dân chủ của
mình, xóa bỏ thành quả cách mạng mà biết bao thế hệ phải đổ máu hy sinh mới
giành được. Như vậy, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực chất là tạo
thời cơ để các thế lực chính trị xóa bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội. Còn để tăng
cường giám sát đối với hệ thống chính trị, cách tốt nhất là thực hiện dân chủ
trong Đảng, trong xã hội, thực hiện bằng được “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân
kiểm tra”, không cần đảng đối lập giám sát như những kẻ mị dân rêu rao.
Nói độc đảng tất yếu dẫn đến độc đoán, độc quyền, độc tài là cách suy diễn
võ đoán, đầy ác ý, cố tình nhắm mắt trước sự thật. Đúng là chúng ta chỉ có duy
nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhưng Hiến pháp 2013 đã ghi rõ: “Mọi tổ
chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật”. Trong hệ thống
chính trị của chúng ta, Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh chính trị, nghị quyết,
nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Quốc hội do Nhân dân trực tiếp bầu ra, là cơ
quan quyền lực cao nhất. Quốc hội bầu ra Chính phủ để điều hành mọi việc của
đất nước. Vậy đó có phải là chế độ đảng trị hay không? Hay đây chính là dân
chủ?
Những kẻ có ý kiến phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam từ độc đảng sinh ra độc
đoán, mất dân chủ thường bỏ qua một thực tế là trong đường lối lãnh đạo của
mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội; phấn đấu không mệt mỏi vì mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh... Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa
nhận là trong hoạt động lãnh đạo của mình, Đảng vẫn còn thiếu sót, khuyết điểm.
Một trong những khuyết điểm mà Đảng ta đã thẳng thắn vạch ra đó là hiện tượng
suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ
cán bộ, đảng viên; một số nơi vẫn còn vi phạm dân chủ, kỷ luật, kỷ cương lỏng
lẻo... Phải khẳng định rằng, dân chủ nhiều hay ít, dân chủ thực sự hay dân chủ
hình thức, không tùy thuộc vào chế độ một đảng hay nhiều đảng. Không chỉ thực
hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới có dân chủ. Dân chủ hay không
xét đến cùng và quan trọng nhất thể hiện ở chỗ quyền lực và quyền lợi có thuộc
về nhân dân hay không mà thôi.
Khi chúng ta nói dân chủ phải đi đối với kỷ luật, với trật tự, kỷ cương, có
người cho đó là kiềm chế dân chủ. Họ nói ta coi nhẹ dân chủ mà nhấn mạnh kỷ
cương, ta chưa có dân chủ mà đã vội “phanh” lại. Trên thực tế dân chủ muốn được
thực thi, nhất thiết phải có pháp luật bảo đảm. Pháp luật chính là công cụ để
quản lý xã hội và thực thi quyền làm chủ của người dân. Pháp luật không cho
phép bất cứ ai lợi dụng quyền dân chủ để vi phạm pháp luật và vi phạm quyền làm
chủ của người khác.
Cũng cần khẳng định dứt khoát rằng, trong khi phấn đấu để có được dân chủ
thực sự đối với Nhân dân, chúng ta không chấp nhận cái gọi là “dân chủ đa
nguyên”, dân chủ với những thế lực phản động. Không thể có chuyện các cá nhân
và tổ chức chống Đảng, Nhà nước, vi phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, đất nước
lại đòi hỏi được hưởng quyền dân chủ như mọi người, không có nước nào kể cả những
nước tự cho mình là dân chủ mẫu mực lại thực hành dân chủ với tất cả mọi người,
không trừ ai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét