Tôn giáo là vấn đề
nhạy cảm bởi nó gắn với niềm tin của con người đối với thế giới đối tượng
thiêng và một khi niềm tin tôn giáo bị lợi dụng cho những mục đích xấu sẽ gây
ra những hệ lụy khó lường. Vì vậy, nhận diện và phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam hiện nay cần được quan tâm đặc
biệt.
Đối với các thế lực
thù địch, tôn giáo là cái “cớ” để khai thác, nhằm xuyên tạc để chống phá Đảng,
chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại đoàn kết tôn giáo, gây
chia rẽ, kích động hận thù hoặc tạo tâm lý hoang mang, lo lắng, gây tư tưởng
chia rẽ, bạo loạn,... Một sự việc rất nhỏ, một mâu thuẫn bình thường trong lĩnh
vực tôn giáo có thể bị thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc trở nên nghiêm trọng; một
vụ việc tôn giáo xảy ra tại một khu vực, một địa phương cũng rất dễ bị khuếch
đại thành vấn đề quốc tế; một sự kiện vốn chỉ là hiện tượng, nhưng có thể bị
xuyên tạc trở thành bản chất; một vấn đề mang tính bộ phận, nhưng lại dễ biến
thành toàn thể; một câu chuyện vốn rất bình thường, nhưng có thể bị biến thành
phức tạp.
Trong nhiều năm qua,
những nhận định sai trái, xuyên tạc với thái độ thù địch và động cơ chính trị
xấu vẫn thường xuyên xuất hiện, cho dù tình hình tôn giáo ở Việt Nam tốt đẹp,
quyền tự do tôn giáo ngày càng được bảo đảm tốt hơn thì những luận điệu kiểu ấy
vẫn phát tán và hoàn toàn không ăn nhập gì với thực tiễn đời sống tôn giáo ở
Việt Nam. Kỳ thực, các quan điểm sai trái, thù địch, kích động mâu thuẫn, xung
đột,... đều đã được lập trình với rất nhiều phương án, kịch bản khác nhau để
hướng đến mục đích cuối cùng là thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, là gây “cách
mạng không tiếng súng”, nhằm công kích, chuyển hóa chế độ. Chiến thuật, chiến
lược này không mới, nhưng nó nguy hiểm ở chỗ luôn âm thầm, rình rập, chờ thời
cơ, kiểu “nước nhỏ lu đầy”, “mưa dầm thấm lâu”,... Vì vậy, cần nhận diện chúng
một cách chính xác nhằm thấy rõ động cơ, mục đích cũng như phương thức tiến
hành của chúng để có cơ sở đấu tranh, phản bác.
Các thế lực thù địch
rêu rao rằng, Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, hạn chế, cản trở, đàn áp
hoạt động tôn giáo. Quan điểm này thường viện dẫn rằng có những hoạt động tôn
giáo bị chính quyền ngăn cản hoặc giải tán. Tuy nhiên, trong thực tế những hoạt
động tôn giáo bị chính quyền giải tán là những hoạt động chưa được sự đồng ý
của các cơ quan có thẩm quyền, nói cách khác, đây là hoạt động trái pháp luật.
Theo pháp luật Việt Nam, việc tuyên truyền tôn giáo, tổ chức các hoạt động tôn
giáo đông người ngoài cơ sở thờ tự và những địa điểm hợp pháp khác, mà chưa
được sự đồng ý của chính quyền là một hành vi vi phạm pháp luật. Khi thấy các
cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn những hoạt động này, các thế lực thù địch lu
loa rằng, đó là hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hạn chế tôn
giáo mà quên rằng, các cơ quan đang thực thi pháp luật Việt Nam chứ không phải
thực thi pháp luật của một đất nước nào khác.
Theo quy định của
pháp luật Việt Nam, những hoạt động tụ tập đông người ở nơi công cộng đều phải
được sự đồng ý của chính quyền, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Tuy thế, nhiều hoạt
động tôn giáo tụ tập đông người vẫn cố tình diễn ra dù chưa được phép. Đó là
hành vi vi phạm pháp luật và thách thức pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền
ngăn chặn các hoạt động kiểu như thế này là hoạt động thực thi và bảo vệ pháp
luật.
Trên thế giới, nhiều
nước cũng có chính sách ứng xử rất rõ ràng với các tổ chức, nhóm tôn giáo chưa
được công nhận. Pháp là một ví dụ. Chính phủ Pháp thường xuyên từ chối công
nhận các nhóm tôn giáo “thiểu số”. Luật pháp của Pháp quy định, nghiêm cấm bất
cứ ai lợi dụng tôn giáo của mình nhằm không tuân thủ các quy định chung về mối
quan hệ giữa các cơ quan công quyền và các cá nhân. Đây là cơ sở pháp lý để
Chính phủ Pháp có thể từ chối công nhận tư cách pháp nhân cho các nhóm tôn giáo
thiểu số.
Rõ ràng, Nhà nước
Việt Nam không sách nhiễu, không hạn chế hay cản trở mà chỉ yêu cầu và chấn
chỉnh các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận thực hiện đúng trong phạm vi,
khuôn khổ theo quy định của pháp luật. Việc các thế lực phản động, thù địch sử
dụng từ hạn chế, sách nhiễu khiến cho bản chất sự thật bị bóp méo, bởi một số tổ
chức tôn giáo chưa được công nhận đang có những hoạt động trái pháp luật hiện
hành của Việt Nam.
Có thể nói, chưa bao
giờ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được tôn trọng và bảo đảm như
hiện nay. Các tôn giáo, tổ chức tôn giáo liên tục được công nhận tư cách pháp
nhân, số lượng không ngừng tăng lên, mức độ đa dạng tôn giáo ở Việt Nam xếp
hạng nhóm đầu thế giới. Quyền tự do tôn giáo được bảo đảm ngay cả đối với những
người bị giam giữ. Những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập ở Việt
Nam cũng được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một cách đầy đủ hơn so
với trước. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được phép mở rộng quan hệ quốc tế mà
không có bất cứ trở ngại gì, những hoạt động tôn giáo tập trung đông người được
Nhà nước cho phép tổ chức, có những sự kiện lên tới vài chục nghìn người, thậm
chí hàng trăm nghìn người.
Không chỉ ban hành
chủ trương, chính sách quan tâm, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của
mọi người dân, Đảng, Nhà nước ta còn chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần và tâm tư, nguyện vọng của đồng bào theo đạo. Chính phủ thường xuyên tổ
chức gặp gỡ đại diện của tất cả các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận để
lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đại diện các tôn giáo. Đời sống tôn
giáo ở Việt Nam luôn ổn định, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được bảo
đảm và ngày càng mở rộng. Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền ngày càng quan
tâm, chăm lo đối với người dân theo đạo, điều này đã thể hiện rõ trong đời sống
tôn giáo của tín đồ và mọi hoạt động của các tôn giáo, tổ chức tôn giáo ở Việt
Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét