Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với
Việt Nam, những năm qua, tôn giáo là một trong những nội dung chiến lược được
các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh
chính trị, trật tự, an toàn xã hội (ANCT, TTATXH), tiến tới xóa bỏ chế độ xã
hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng coi đó là một yếu tố quan trọng để tạo sức ép từ
bên ngoài, đồng thời kích động các hoạt động chống phá từ bên trong
Nhận diện các thủ đoạn,
phương thức thâm độc
Qua nghiên cứu, có thể khái
quát một số thủ đoạn, phương thức cơ bản mà các thế lực thù địch lợi dụng vấn
đề tôn giáo thời gian gần đây để chống phá nước ta như sau:
Một là, chúng tìm mọi
cách tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, tích cực thúc đẩy liên kết
hoạt động giữa các tôn giáo hòng từng bước biến tôn giáo thành lực lượng chính
trị đối trọng với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng đẩy mạnh phát triển các hội
đoàn tôn giáo, khuếch trương thanh thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái
phép, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu
số (DTTS) ở Tây Bắc, Tây Nguyên để tập hợp quần chúng,
gây áp lực với chính quyền địa phương. Chúng đã lập ra các hội, nhóm liên kết
bất hợp pháp núp dưới danh nghĩa tôn giáo như “Hội đồng liên tôn Việt Nam”,“Hội
đồng nhân quyền Việt Nam”, “Văn phòng Công lý-Hòa bình”... để lôi kéo, mua
chuộc quần chúng, tín đồ nhằm tập hợp lực lượng tiến hành các hoạt động phá
hoại ANCT, TTATXH ở một số địa phương. Đáng chú ý, kẻ địch triệt để đẩy mạnh
hoạt động lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật của các cá nhân, tổ
chức tôn giáo, như: Vụ lấn chiếm đất đai trái pháp luật tại Giáo xứ Sở Kiện (Hà
Nam); vụ lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai trái phép tại Giáo xứ Xuân Hòa (Bắc
Ninh); vụ dòng Thiên An lấn chiếm đất rừng ở Hương Thủy (Thừa Thiên Huế)...
Thông qua đó, đòi tư hữu hóa đất đai, gây mâu thuẫn giữa các chức sắc, tín đồ
với chính quyền, kích động chức sắc, tín đồ tôn giáo cản trở việc thực hiện
chính sách, pháp luật, chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến
tình hình ANCT, TTATXH tại địa phương...
Hai là, chúng triệt để
lợi dụng chiêu bài “tôn giáo hóa dân tộc” để thâm nhập, lôi kéo, tập hợp
lực lượng là người DTTS, tiến tới hình thành tổ chức phản động trên địa bàn.
Chúng thông qua các tôn giáo đã phát triển ở vùng DTTS hoặc lập ra một số hình
thức "tôn giáo riêng" cho người DTTS như "Tin lành của người
Mông" để thành lập “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc; "Phật giáo
Nam Tông Khmer" để thành lập “Vương quốc Chăm Pa” ở vùng DTTS Nam
Trung Bộ, “Nhà nước Khmer Kampuchea Krom” ở Tây Nam Bộ... thực chất
là hình thành các tổ chức phản động chống phá Nhà nước ta. Đáng chú ý, gần
đây, tổ chức phản động “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC) do A
Đảo (Sa Thầy, Kon Tum) làm “Giáo hội trưởng” đã kết nối với các đối tượng trong
nước tuyên truyền, lôi kéo chức sắc, tín đồ và người dân tập hợp lực lượng,
từng bước công khai hóa hoạt động. Chúng móc nối, lôi kéo, hướng dẫn các tín đồ
theo đạo Tin lành thuần túy trong nước tham gia các buổi tập huấn trực tuyến về
nhân quyền mà thực chất chính là các buổi đào tạo kỹ năng hoạt động “xã hội dân
sự”; hướng dẫn phương pháp thu thập, cung cấp các thông tin sai lệch về tình
hình trong nước để xuyên tạc, vu cáo ta trên mạng xã hội và các diễn đàn quốc
tế.
Ba là, lợi dụng thần
quyền, giáo lý, giáo luật để kích động, ép buộc đồng bào tôn giáo chống lại chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; lôi kéo, kích động tín đồ và nhân dân
biểu tình, gây rối để lấy cớ can thiệp từ bên ngoài. Đó là những biểu hiện như
hoạt động chỉ đạo, kích động chống đối chính sách, pháp luật, bất hợp tác với
chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp tại địa phương hay công
khai bày tỏ thái độ thách thức chính quyền, coi thường pháp luật, kích
động bạo lực, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ta, kêu gọi đa nguyên,
đa đảng, lật đổ chế độ...
Bốn là, triệt để tác
động, lôi kéo các chính khách cực đoan trong chính trường một số nước để tác
động quốc hội, nghị viện các nước này thông qua các báo cáo, nghị quyết, thông
cáo xuyên tạc tình hình tôn giáo, dân tộc ở trong nước, vu cáo Nhà nước vi phạm
nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Thông qua các cuộc hợp tác song phương, đa phương
giữa Mỹ và các nước đồng minh với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội để
gây sức ép với Việt Nam về dân tộc, tôn giáo, tìm cách gắn “các yêu sách về vấn
đề tôn giáo, dân tộc”, “dân chủ, nhân quyền” trong quan hệ song phương, đa phương
với Việt Nam; từ đó hòng tìm cách can thiệp vào nội bộ nước ta. Ở bên ngoài,
các tổ chức phản động lưu vong ráo riết vận động Việt kiều, người nước ngoài
ủng hộ kinh phí, vật chất, phương tiện rồi tìm cách đưa vào trong nước để “nuôi
dưỡng, hậu thuẫn” các đối tượng trong nước hoạt động quyết liệt, tích cực hơn.
Chúng còn móc nối với số cơ hội chính trị trong nước thu thập tin tức, tình
hình dân tộc, tôn giáo, việc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, những hạn
chế, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở địa phương rồi
bóp méo, xuyên tạc trên các diễn đàn, trên mạng xã hội, phương tiện truyền
thông nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ động, đồng bộ các biện
pháp phòng ngừa, đấu tranh
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo ở
nước ta không ngừng được cải thiện, nâng lên, đồng bào có đạo và nhân dân tích
cực tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm
nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Các lực lượng chức năng đã kịp thời
giải quyết bức xúc trong cộng đồng các tôn giáo và nhân dân, ổn định an ninh
trật tự tại địa bàn, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của
người dân; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật; tranh
thủ được sự ủng hộ của đa số quần chúng và đồng bào các tôn giáo. Các bộ, ngành
chức năng và các địa phương đã chủ động rà soát hệ thống pháp luật về tôn giáo
hiện hành, xác định nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phù hợp thực tế; tạo cơ sở
pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của người dân. Đồng thời, chủ động tuyên truyền đối nội kết hợp với
tuyên truyền đối ngoại nhằm tuyên truyền mạnh mẽ về thành tựu của ta trong
bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần đấu tranh, phản
bác các luận điệu, thông tin xuyên tạc tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở
trong nước, vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu
quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo để phá hoại
công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi công tác này phải được đặt dưới
sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ
nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Trong đó, tiếp tục chú trọng
xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cấp cơ sở vững mạnh, trong sạch,
thực hiện tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của
nhân dân; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền
tảng khối liên minh công-nông-trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu
lực quản lý nhà nước, hiệu lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể
nhân dân trong mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Tiếp tục
phát huy và thực hiện đồng bộ, triệt để, hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở trong
vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Đề cao tinh thần dân tộc và
tôn trọng những điểm khác biệt của các DTTS không trái với lợi ích chung của
đất nước; kiên quyết chống tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dân tộc
hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm dân tộc, tôn giáo.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả
các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội,
xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thường xuyên chăm lo đời
sống vật chất và tinh thần của nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ dân trí,
văn hóa, xã hội cho đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa; giải quyết kịp thời các
nguyện vọng chính đáng của đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa trên
cơ sở pháp luật. Tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mang đậm bản
sắc của các dân tộc; quan tâm xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an
ninh nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh
nhân dân; trong đó, tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ; xây dựng LLVT
nhân dân trên địa bàn vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong giữ vững an ninh
trật tự tại địa phương.
Các ban, bộ, ngành chức năng
cần tiếp tục chủ động, thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân
dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo về chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về
tín ngưỡng, tôn giáo và âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tín
ngưỡng, tôn giáo để chống phá ta thông qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức đa
dạng, phong phú khác nhau; làm cho tín đồ, chức sắc và người dân hiểu rằng, đấu
tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật cũng là bảo vệ tôn
giáo chân chính và quyền lợi của chính họ. Để từ đó khuyến khích, thúc đẩy nhân
dân, tín đồ, chức sắc tự giác tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn
chặn hoạt động lợi dụng tự do tôn giáo vi phạm pháp luật của kẻ địch. Làm tốt
công tác nắm tình hình, phát hiện, phối hợp giải quyết kịp thời, dứt điểm các
mâu thuẫn, khiếu kiện, “điểm nóng” liên quan đến dân tộc, tôn giáo, không để lây
lan, kéo dài, vượt cấp. Chú trọng đẩy mạnh công tác vận động quần chúng và
tranh thủ chức sắc tôn giáo, phát huy tác dụng của các đoàn thể tôn giáo yêu
nước. Kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi phát triển các hiện
tượng tín ngưỡng, tôn giáo, tà đạo, đạo lạ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các
hành vi lợi dụng tự do tôn giáo để xuyên tạc, chống phá Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác
thông tin, tuyên truyền và đấu tranh đối ngoại; thông qua các phương tiện thông
tin truyền thông, qua kênh ngoại giao, hợp tác quốc tế, làm cho các nước, các
tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới hiểu đúng, hiểu đầy đủ về chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong việc
bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, kết quả xử lý những vụ
việc, đối tượng lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, cần
tuyên truyền tới đông đảo quần chúng trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu
đúng bản chất hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng tôn giáo ở
Việt Nam thời gian qua. Vận động Nhân dân tích cực ủng hộ chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước; góp phần đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các luận điệu
xuyên tạc, vu cáo của những phần tử xấu.
Nghiêm
trị những chiêu trò xuyên tạc, phá hoại
Cứ mỗi dịp chuẩn bị đến ngày hội tòng quân trên cả
nước, không gian mạng lại xuất hiện những thông tin, hình ảnh cắt ghép, xuyên
tạc, có nội dung nói xấu, bôi nhọ, đả kích môi trường quân ngũ. Đây là thủ đoạn
nguy hiểm của các đối tượng xấu, có tư tưởng cực đoan, bất mãn. Những sản phẩm
xấu độc này đã tiếp tay cho các thế lực thù địch thực hiện chiến dịch tuyên
truyền nhằm hạ thấp uy tín Quân đội, gieo rắc tâm lý hoài nghi trong đời sống
xã hội...
Hậu quả của những chiêu trò
xuyên tạc
Vụ việc
tán phát clip, thông tin thất thiệt về cái gọi là “Nữ sinh HUFLIT bị
hiếp dâm, nhảy lầu tự tử tại Trường Quân sự Quân khu 7” đã được các cơ quan
chức năng phối hợp làm sáng tỏ. Ngày 14/1/2023, Cơ quan Điều tra hình sự Quân
khu 7 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Đưa tin trái phép thông
tin mạng máy tính”, căn cứ theo khoản 1, Điều 288, Bộ luật Hình sự và Điều
36; Điều 143; khoản 1, Điều 153; Điều 154 Bộ luật Tố tụng hình sự. Bước đầu, cơ
quan điều tra đã xác định được một số đối tượng thực hiện hành vi cắt ghép, dàn
dựng, tán phát clip, thông tin thất thiệt và đang khẩn trương củng cố
hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Những đối tượng vi phạm pháp luật
về hành vi nêu trên sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật.
Thực ra, ngay từ khi clip bị
cắt ghép, xuyên tạc về nội dung nêu trên được các đối tượng xấu tung lên mạng
xã hội, nhiều người đã nhận ra ngay đó là tin giả. Vậy nhưng, vì hội chứng đám
đông và chiến dịch truyền thông “bẩn” do các thế lực xấu thực hiện, thông tin
thất thiệt vẫn lan truyền với tốc độ chóng mặt. Vấn đề đặt ra ở đây là,
tại sao từ một chuyện nhỏ trong quan hệ ứng xử giữa sinh viên với nhau, các đối
tượng xấu lại tạo cớ xuyên tạc, đẩy vấn đề lên thành một “sự kiện” gây xôn xao
dư luận? Chúng ta cùng nhìn nhận vấn đề dưới hai góc độ. Thứ nhất: Những thông
tin liên quan đến Quân đội thường nhận được sự quan tâm lớn của công
chúng. Triển lãm Quốc phòng
quốc tế Việt Nam 2022 vừa qua là một ví dụ.
Có rất nhiều người từ các vùng quê xa xôi đã lặn lội ra Hà Nội để xem triển
lãm. Chứng kiến sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc của Quân đội Nhân dân Việt
Nam, bà con bày tỏ niềm tin tưởng, tự hào sâu sắc. Thực tế cuộc sống đã chứng
minh, mọi nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, khi đất nước, Nhân dân gặp biến cố lớn
về thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường... Bộ đội Cụ Hồ bao giờ và ở đâu cũng
là lực lượng đầu tiên, chủ lực xả thân, hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản
cho Nhân dân. Chính vì hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ đã in dấu sâu đậm trong
lòng dân, trở thành giá trị văn hóa truyền thống bền vững nên ở chiều ngược
lại, các thế lực thù địch cũng luôn tìm mọi cách, áp dụng mọi phương thức, thủ
đoạn để bôi nhọ, xuyên tạc, hạ bệ uy tín của Quân đội. Bằng các chiến dịch
tuyên truyền kiểu “nội công ngoại kích”, họ bóp méo hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bôi
đen môi trường quân ngũ nhằm phá vỡ kết cấu bền vững của mối quan hệ đoàn kết
quân dân.
Thứ hai,
việc tung tin giả liên quan đến môi trường quân ngũ trong bối cảnh hiện nay là
hành động đầy thâm ý. Hiện nay, các địa phương đang chuẩn bị cho ngày hội tòng
quân đầu xuân mới. Hàng vạn thanh niên trên cả nước sẽ lên đường nhập ngũ. Tung
đòn tâm lý đánh vào tư tưởng thanh niên, tình cảm phụ huynh bằng những sản phẩm
truyền thông “bẩn” là chiêu bài rất nguy hiểm. Xuyên tạc những sự việc, câu
chuyện, vấn đề liên quan đến phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ,
kỷ luật Quân đội... là chiêu bài thâm độc, hèn hạ của các đối tượng cực đoan,
bất mãn.
Sau khi sự thật đã sáng tỏ,
những ồn ào dư luận từ tin giả đã lắng xuống, thì không ít tài khoản của các
đối tượng cực đoan trên các nền tảng mạng xã hội lại có những cú “bẻ lái” thông
tin đầy thâm ý. Họ tiếp tục xuyên tạc rằng, câu chuyện “nữ sinh bị hiếp dâm,
nhảy lầu tự tử” đang được các cơ quan chức năng lái sang hướng khác để che đậy
sự thật?! Họ đánh tráo khái niệm, lèo lái dư luận theo định kiến chủ quan, thể
hiện rõ mưu đồ phá hoại để tiếp tục đẩy sự việc đi xa hơn theo ý đồ xấu. Họ ăn
theo truyền thông “bẩn” để “đẩy thuyền”, bôi nhọ Quân đội, gieo rắc định kiến,
tâm lý hoài nghi trong đời sống xã hội về môi trường quân ngũ, phá hoại ngày
hội tòng quân 2023, làm hoen ố bản chất Bộ đội Cụ Hồ... Đó chính là những chiêu
bài được các thế lực thù địch áp dụng nhằm hiện thực hóa âm mưu “Diễn biến hòa
bình” chống phá Quân đội Nhân dân Việt Nam và LLVT Nhân dân...
Thông tin “bẻ lái” là loại
thông tin ăn theo tin giả. Nó diễn ra thường xuyên và diễn biến phức tạp. Người
dùng mạng xã hội, nhất là giới trẻ, cần trau dồi kỹ năng phân biệt, sàng lọc,
tiếp nhận... để không rơi vào bẫy truyền thông “bẩn” do các đối tượng xấu giăng
sẵn.
Nghiêm trị để cảnh tỉnh, răn
đe
Vụ việc tung tin thất thiệt
tại Trường Quân sự Quân khu 7 là
bài học nhãn tiền cho người dùng mạng xã hội, nhất là các bạn trẻ trong môi
trường học đường, khởi nghiệp. Phải nhấn mạnh vấn đề này, bởi nếu bạn nữ
sinh HUFLIT đang học chương trình Giáo dục quốc phòng và an ninh tại
Trường Quân sự Quân khu 7 không quay clip, không chia sẻ thông tin thất thiệt
để “làm mồi” cho các đối tượng xấu cắt ghép, xuyên tạc, tung tin giả thì đã
không xảy ra vụ việc đáng tiếc như vừa qua. Từ vụ việc này, Thạc sĩ, nhà báo
Phan Văn Tú, Trưởng bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã
lên tiếng cảnh báo sinh viên: Trong thời đại 4.0 này, người sử dụng tin tức rất
dễ dính bẫy tin giả, kể cả nhiều người uy tín; vì việc tiếp cận thông tin phụ
thuộc vào nhiều nguồn, từ bối cảnh, môi trường, bạn bè... Cần phải tỉnh táo và
cố gắng tránh chạy theo tâm lý “bầy đàn”, dễ bị cuốn vào cơn “lên đồng” tập
thể...
Những yếu tố chủ quan từ
nguồn tin dẫn đến tin tức chưa được kiểm chứng bị kẻ xấu lợi dụng tung tin giả,
thực hiện chiến dịch truyền thông với mưu đồ xuyên tạc, phá hoại... như thế
nào, sẽ được cơ quan điều tra làm rõ, xử lý hợp tình hợp lý. Nhưng đây là bài
học đắt giá cho các bạn trẻ. Đừng vì một phút bốc đồng, nông nổi mà gián tiếp
gây hậu quả xấu cho đời sống xã hội. Còn những đối tượng cố tình cắt ghép, dàn
dựng, tán phát, lan truyền thông tin thất thiệt, thể hiện rõ ý đồ, mưu đồ
xuyên tạc, phá hoại... thì phải sớm được điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp
luật. Khi những hành vi này bị lôi ra trước ánh sáng công lý thì các đối tượng có
tư tưởng thù địch chuyên “bẻ lái” thông tin trên không gian mạng để lèo lái dư
luận mới hết cớ xuyên tạc.
Việt Nam tôn trọng quyền tự
do ngôn luận, nhưng mọi công dân đều phải có tinh thần thượng tôn pháp luật.
Không thể tự nhiên chủ nghĩa lợi dụng không gian mạng để tung tin thất thiệt
xúc phạm, hạ bệ danh dự, uy tín tập thể, cá nhân. Phải nghiêm trị các hành vi
vi phạm pháp luật để răn đe và cảnh tỉnh, không để những vụ việc tương tự tái
diễn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét