Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở NƯỚC TA THỜI GIAN QUA; NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH


Phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nhũng hành, vi tham nhũng là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.

Quan điểm luôn xuyên suốt và nhất quán trong công tác phòng, chống tham nhũng từ trước đến nay của Đảng là sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm”. Đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu “không phải cốt xử nhiều là tốt, mà phải làm sao để không phải xử, không để xảy ra mới là tốt”; xét xử không phải để dìm con người xuống tận bùn đen mà là xử đúng người, đúng tội. Quan điểm về phòng, chống tham nhũng ấy của Đảng ta và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư rất nhân văn, xử lý tội phạm tham nhũng là để giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn là chính.

 Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có thể thấy rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh và đã đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Không chỉ bằng lời nói, cả hệ thống chính trị nước ta đã và đang rất quyết liệt trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng các quy định để quản lý, xác minh tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn; cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng; đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước… Đối với các vụ việc, vụ án sau khi được làm rõ, các cơ quan chức năng đều đã kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan thông tin, truyền thông để phản ánh, đăng tải để thông tin đến mọi người dân

Vậy nhưng, vẫn còn tồn tại nhiều suy nghĩ, quan điểm lệch lạc, sai trái, mâu thuẫn với các đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác phòng, chống tham nhũng. Gần đây nhất, vào ngày 19/11/2022, trên trang Blog Đài Á Châu Tự do (RFA) tán phát bài “15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị khởi tố, điều tra”; trên trang blog Việt Nam Thời Báo, đối tượng Nguyễn Huyền tán phát bài “Trách nhiệm người đứng đầu Đảng”. Chung quy lại đây rõ ràng là luận điệu vô căn cứ, mang tính quy chụp để bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phủ định sạch trơn những kết quả to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển của nước ta, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như quyết tâm chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Cần khách quan nhìn nhận rằng, trong bất kỳ xã hội nào, chế độ nào cũng đều tồn tại tính chất hai mặt, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được thì vẫn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, còn tồn tại một số hạn chế nhất định, nhưng chung quy không thể lấy các sự việc, hiện tượng đơn thuần để quy kết thành bản chất vấn đề, không thể dùng cái đơn lẻ để quy chụp thành hệ thống. Vì vậy, từ một số kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng hay một số vụ việc, vụ án điển hình về tham nhũng không thể gán ghép, suy diễn thành những vấn đề chính trị lớn trong xã hội, đó càng không thể đại diện cho bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề trên, Đảng, Nhà nước ta đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tham nhũng, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên quyết đấu tranh, lên án không để các thế lực thù địch có cơ hội lợi dụng để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, chính quyền và nhân dân ta. Mỗi người dân cần phải hết sức tỉnh táo, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tránh bị ngộ nhận, dễ dàng mắc bẫy xúi giục của các thế lực thù địch hay vô tình tiếp tay cho chúng thực hiện việc chống phá Đảng, Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của nhân dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét