Thực hiện đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là bạn, đối
tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đa phương hóa,
đa dạng hóa, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc dựa trên luật pháp quốc
tế, bình đẵng giữa các quốc gia là quan điểm nhất quán của Đảng trong
chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng của Việt Nam.
Quan điểm
của Đảng về đường lối đối ngoại hiện nay là sự lựa chọn đúng đắn, hợp với xu thế
thời đại.
Những năm qua, tình hình thế giới, khu vực
chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có tiền
lệ. Hòa bình hợp tác vẫn là xu thế lớn, song các nhân tố bất ổn ngày càng gia
tăng. Đặc biệt, trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng và để
lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt của đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt hơn, chủ nghĩa dân
tộc, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Các thách thức an ninh
truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt. Cuộc cách mạng công nghiệp
lần thứ tư phát triển mạnh mẽ. Quá trình định hình lại cấu trúc chính trị, kinh
tế thế giới đang diễn ra ngày càng nhanh với những tập hợp lực lượng đa dạng,
phức tạp, đan xen, tác động nhiều chiều đến hòa bình, an ninh và phát triển của
các nước. Bối cảnh đó tạo ra những thách thức và cơ hội cho các nước, trong đó
có nước ta.
Qua 37
năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn,
có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy, nâng tầm được cả
thế và lực nhất định, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, đã tạo ra
những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển. Quy mô, trình độ
nền kinh tế được nâng lên với GDP gần 400 tỷ USD và gần 100 triệu dân. Đời sống
nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Ổn định chính trị -
xã hội được đảm bảo trên cơ sở củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân
tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường
vững chắc. Đất nước hội nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội quốc tế, là
thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, 5 năm
qua, trong bối cảnh tình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, khó lường,
Việt Nam vẫn tận dụng được thời cơ, hóa giải được thách thức, tiếp tục tạo
những kết quả toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Đất nước
ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Những thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đối ngoại và hội nhập
quốc tế. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ
thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai, đạt nhiều kết quả quan
trọng, tích cực, toàn diện. Nhìn tổng thể, đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với
các ngành, lĩnh vực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện
của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp
của toàn dân tộc và hệ thống chính trị, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Phát
huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững
chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng,
chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện
và sâu rộng; huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế
- xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao vị thế và
uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Những
luận điệu chống phá, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam; kêu
gọi Việt Nam liên minh quân sự để bảo vệ Tổ quốc
Những năm qua, nhất là thời gian gần các thế
lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá các chủ trương lớn của Đảng, Nhà
nước ta, trong đó có hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, những giọng điệu
bôi nhọ, những hành động chống phá càng trở nên phổ biến. Từ tụ tập gây sức ép
nhằm cản trở nỗ lực mở rộng quan hệ đa phương trong các chuyến công du nước
ngoài của lãnh đạo cấp cao cho đến bóp méo thông tin trong các lĩnh vực như
kinh tế, quyền con người… tạo nên những hình ảnh sai lệch về Việt Nam. Chúng
đưa ra những thông tin trái ngược với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước
nhằm gây hoang mang trong nhân dân. Đã có những luận điệu cho rằng trong bối
cảnh phức tạp trên thế giới hiện nay, Việt Nam đang ngả theo nước này, chạy
theo nước kia để được an toàn, phát triển. Chuyện đó sẽ không xảy ra. Nhận xét
ấy nếu không xuất phát từ những kẻ không hiểu gì về lịch sử thì cũng là chiêu
trò chọc gậy bánh xe nhằm phá hoại đất nước.
Mới
đây, "Đài châu Á tự do" đã thực hiện một clip gần 10 phút đưa ra
nhiều bình luận thiếu thực tế trước chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao
Việt Nam. Rất nhiều phỏng đoán vô căn cứ đã được đưa ra: "Việt Nam ngả
nghiêng phe này, nước kia". Nhưng nếu cứ tư duy theo lối suy diễn áp đặt
này thì họ sẽ trả lời ra sao nếu thực tế lại cho thấy hầu hết nguyên thủ của
tất cả các nước lớn trên thế giới đều đã đến Việt Nam. Thậm chí nhiều lãnh đạo
các nước còn chọn Việt Nam là điểm công du đối ngoại đầu tiên sau khi nhậm chức
để đưa ra thông điệp mong muốn tăng cường hợp tác.
Ngày 25-11-2019, Việt Nam công bố Sách trắng
Quốc phòng 2019, được bổ sung, phát triển chính sách quốc phòng công bố năm
2009, công khai toàn bộ những vấn đề cơ bản nhất của quốc phòng Việt Nam; trong
đó, xác định: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên
kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự
hoặc dùng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc
đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Chính sách này được nhiều nước và
dư luận quốc tế ủng hộ, đánh giá cao; phản ánh tinh thần trách nhiệm của Việt
Nam góp phần vào củng cố hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế
giới.
Tuy nhiên, một số bài viết
trên mạng xã hội, báo điện tử nước ngoài,… cho rằng, Việt Nam thực hiện chính
sách “4 không” là nguy cấp, đồng thời ra sức hô hào, kêu gọi Việt Nam “phải thực
hành liên minh quân sự để bảo vệ Tổ quốc”. Theo họ, trong bối cảnh hiện nay, Việt
Nam cần liên minh quân sự với một nước lớn nào đó có thực lực quân sự, quốc
phòng mạnh, như: Mỹ, Nga hay Nhật,… thì sẽ được hỗ trợ tối đa về mặt quân sự, kể
cả đưa vũ khí trang bị, lực lượng quân đội đến trợ giúp bảo vệ chủ quyền lãnh
thổ, biên giới, biển, đảo quốc gia. Những bài viết này đều xuất phát từ những
chủ thể và chủ bút luôn có thái độ, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Không thuần túy là kêu gọi liên minh quân sự ngay
lập tức cho Việt Nam, mà ẩn ý của họ nhắm tới là kích động dư luận xã hội phủ
nhận, lên án và gây áp lực với Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo
ra những bất ổn, tiêu cực về quốc phòng, an ninh, gây mất ổn định chính trị,
phá vỡ nền hòa bình, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam.
Tiếp tục
kiên đình đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác
và phát triển
Trong những năm tới,
tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, với nhiều biến
động to lớn, khó dự báo, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát
triển của đất nước ta. Các thách thức có thể gay gắt hơn, song Việt Nam cũng
đứng trước nhiều cơ hội mới. Trong hoàn cảnh đó, sự lãnh đạo của Đảng cùng với
thế và lực của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới là nhân tố quyết định để thực hiện
thành công các mục tiêu đối ngoại.
Đại
hội XIII của Đảng đã khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối
ngoại thời kỳ Đổi mới là: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự
chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa
quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có
trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, xử lý đúng đắn mối quan hệ
giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; ý chí tự lực, tự
cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan
trọng. Mục tiêu của đối ngoại được xác định là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc
gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và
luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Phương hướng đối ngoại là
chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối
ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối
ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương. Nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại là
tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ
vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát
triển và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Để
góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước và triển khai
thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII đã đề ra, đối ngoại cần tiếp tục đổi
mới tư duy và phương thức tổ chức hoạt động. Cần xây dựng nền ngoại giao toàn
diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại
nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện và thống
nhất của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước đối với đối ngoại và hội nhập
quốc tế. Cùng với đó, quán triệt sâu sắc, toàn diện, cụ thể hóa và tổ chức thực
hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng bằng các chiến lược, kế hoạch,
chương trình, đề án đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Bên
cạnh đó, củng cố tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các
đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn
diện, đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống, trên tinh thần bình
đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về
nhiệm vụ quốc phòng, tiếp tục xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả
nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự
lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước; củng cố, tăng
cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời khẳng định, chính sách quốc
phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu
tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật
pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực
hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm
lược, chứ không phải là “quy phục láng giềng” như kẻ nào đó rêu rao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét