Với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt trong cuộc
chiến chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống
chính trị, trong đó có sự ủng hộ của nhân dân, cuộc chiến này đã có chuyển biến
tích cực, rõ rệt và mang lại những thành quả quan trọng. Đánh giá về nhiệm vụ
phòng, chống tham nhũng, trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm
tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch,
siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại,
đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối
cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là
"đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những
người khác”.
Luận
điệu “chống tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế” là hoàn toàn không có cơ
sở. Trước tiên, cần phải nhìn nhận, tham nhũng tác động trực tiếp đến sự ổn định
và phát triển đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Hành vi này gây ra những hậu
quả, tác hại to lớn trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội,
nhất là đối với kinh tế, tình trạng tham nhũng gây thất thoát nghiêm trọng tài sản
công, bào mòn ngân sách nhà nước để làm lợi cho một cá nhân, nhóm người tham
nhũng. Tham nhũng còn đe dọa sự ổn định, an ninh xã hội, xâm hại các thể chế và
giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý... Nếu không kịp thời ngăn chặn,
tham nhũng sẽ trở thành mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với sự phát triển
kinh tế xã hội, đe dọa đến tồn vong của chế độ. Do đó, lập luận cho rằng chống
tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế là sai trái.
Quan
điểm trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam rất
rõ ràng, những đối tượng tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội
tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo môi
trường lành mạnh, trong sạch trong cả đầu tư công và môi trường đầu tư tư nhân.
Như vậy, quan điểm rõ ràng “cây ngay không sợ chết đứng”, đã trong sạch, không
tham ô, tham nhũng thì không phải e dè trong công việc của mình. Do đó, không
thể cho rằng vì lý do chống tham nhũng nên nhiều cá nhân sợ không dám làm, ảnh
hưởng đến môi trường đầu tư, tác động đến các chuỗi cung ứng trong kinh tế.
Cần
phải nhận thức rằng, tình trạng tham nhũng làm suy giảm các lực lượng cạnh
tranh vốn có của thị trường, gây ra sự cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế
tư nhân. Tham nhũng làm cạn nguồn đầu tư nội địa, làm giảm đáng kể các dòng vốn
đầu tư trực tiếp nước ngoài, tham nhũng không chỉ gây trở ngại cho hoạt động
kinh tế vĩ mô mà còn kìm hãm hoạt động của các hãng riêng lẻ. Cuộc chiến chống
tham nhũng tại Việt Nam tạo động lực không ngừng cho đầu tư, phát triển kinh tế,
đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Cuộc
chiến chống tham nhũng đi vào thực chất, không còn vùng cấm và việc nhận được sự
ủng hộ tích cực từ phía người dân chính là động lực để cuộc chiến này càng thêm
vững vàng với mục tiêu xây dựng một xã hội thực sự trong sạch, vì quyền lợi của
mọi người dân, vì lợi ích của quốc gia dân tộc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét