Biển
Đông có vị trí địa – chính trị quan trọng toàn cầu, tuyến vận tải biển huyết mạch
trên thế giới nhiều năm nay đã trở thành một điểm nóng về an ninh và ổn định
cũng như tự do hàng hải, hàng không do tranh chấp chủ quyền của các bên liên
quan. Biển Đông có tổng diện tích khoảng 3,5 triệu km2 cùng nguồn tài
nguyên thiên nhiên phong phú, thủy sản dồi dào từ sau chiến tranh thế giới lần
thứ hai là nơi diễn ra cuộc tranh chấp “5 nước 6 bên” gồm: Brunei, Đài Loan
(Trung Quốc), Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam
có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với
đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử.
Những năm qua, tại Biển Đông xảy ra một
số vụ việc phức tạp, có lúc diễn biến căng thẳng, trong đó có các hành động gây
hấn, xâm phạm chủ quyền biển đảo như: Vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc
xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông năm 2014; sự kiện tàu Hải
Dương 8 của Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm
lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam (từ ngày 4/7/2019 đến ngày 24/10/2019);
các hoạt động tập trận trên Biển Đông tại một số thời điểm…
Những sự việc này được các tổ chức, đối
tượng phản động triệt để khai thác và biến tấu thành những luận điệu xảo trá,
vu cáo như “Việt Nam nhu nhược, hèn nhát”, “chính quyền Việt Nam làm ngơ về Biển
Đông”… Không những thế, các tổ chức, đối tượng phản động lợi dụng những diễn biến
phức tạp tại Biển Đông cũng như đường lối đối ngoại, hướng giải quyết các vụ việc
của Việt Nam để tìm cách chế nhạo, tái diễn nhiều chiêu trò, luận điệu xuyên tạc,
suy diễn, xem đó là “ngòi nổ” để phá hoại sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Tổ quốc. Ngoài ra các đối tượng chống phá thông qua các tài khoản mạng xã hội để
đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc chống phá từ bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống
đối từ bên trong theo kiểu “nội công, ngoại kích” hòng gây mất ổn định an ninh
chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với
nước ta.
Hiện nay, trên một số trang mạng, các
thế lực thù địch lợi dụng những “điểm nóng” trên Biển Đông để xuyên tạc đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, kích động dư luận, gây mất ổn
định tình hình an ninh, trật tự trong nước, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với
Đảng, Nhà nước, Quân đội; làm tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với các nước
liên quan.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định:
“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định
để phát triển đất nước”.
Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện
định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai
thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của
Tổ quốc. Chúng ta xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu
dài, do đó cần kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh
chấp, bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam, đồng thời tôn trọng lợi ích chính
đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã
chủ động, tích cực giải quyết từng bước những tồn tại về biên giới lãnh thổ
trên biển và đất liền với các nước liên quan nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp
tác, góp phần củng cố hoà bình, an ninh khu vực, đồng thời tăng cường thế và lực
của đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về
biển, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động khai thác, quản lý và bảo tồn các
nguồn tài nguyên biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982,
phục vụ nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ kinh tế của Việt
Nam với các nước, nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét