Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA VỀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI, PHẢN BÁC NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, XUYÊN TẠC LỊCH SỬ, NHỮNG ĐÒI HỎI PHI LÝ


Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước  đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son chói lọi, một chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm. Chiến thắng đó được tạo nên bởi sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng của nhân dân Việt Nam đã được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử; là sự kết hợp thành công giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đưa nhân dân ta thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước; là bàn đạp cho dân tộc Việt Nam có thêm niềm tin, bản lĩnh để vượt mọi khó khăn, gian khổ trong hàn gắn vết thương chiến tranh và bắt tay vào xây dựng, kiến thiết đất nước.

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sức mạnh, là chìa khóa quyết định thành công của các mạng Việt Nam, Người nêu rõ: Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây.

Chính sách hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng của mọi người có dòng máu Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài. Nhà nước ta tạo điều kiện cho mọi người, kể cả những người từng làm việc trong chế độ cũ, về thăm, đóng góp để xây dựng quê hương.

Tháng 6-1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng nhấn mạnh: “Để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên, giành những thành tựu lớn hơn, cần thực hiện tốt hơn nữa việc mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, ở cả trong nước và nước ngoài, phát huy dân chủ, động viên tối đa sức mạnh của toàn thể dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Đảng xác định phương châm: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lấy liên minh công-nông-trí làm nền tảng, đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài...

Tháng 4-2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cụ thể hóa về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài. Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và lòng tự hào dân tộc, lấy mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai... trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”

Các Đại hội X, XI, XII và XIII của Đảng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng to lớn của đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt vai trò, đóng góp của người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài đối với đất nước. Ngày 26-3-2004, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36-NQ/TW), Nghị quyết 36-NQ/TW nêu rõ: Mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai.

Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, có mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Để đất nước có được độc lập, thống nhất trọn vẹn, nhân dân được sống trong hòa bình như ngày nay, chúng ta đã trải qua các cuộc trường kỳ kháng chiến với những hy sinh, mất mát lớn lao. Cả nước có 1.146.250 liệt sĩ, trong đó 191.605 liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, 105.627 liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; khoảng hơn 4 triệu dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương tật suốt đời do chiến tranh.

Chúng ta không đào bới quá khứ để nuôi hận thù, làm sâu sắc thêm sự mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ. Nhưng chúng ta không lãng quên lịch sử; ghi nhớ sự mất mát trong chiến tranh để trân trọng hòa bình và những thành quả có được ngày hôm nay. Chúng ta ghi nhận thái độ hòa giải, thiện chí hòa hợp, đóng góp xây dựng đất nước từ phía những người từng quay lưng với lợi ích cốt lõi của dân tộc là Tổ quốc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Hòa hợp, hòa giải không phải là cái cớ để những người này đưa ra những đòi hỏi phi lý đối với đất nước, xuyên tạc chủ trương, chính sách của đảng ta về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tế đã chứng minh: Đông đảo bà con người Việt ở nước ngoài hoan nghênh công cuộc đổi mới và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, mong muốn đất nước cường thịnh, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhiều người đã về thăm gia đình, quê hương, tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo, từ thiện...

Mở rộng vòng tay đón nhận những người con xa quê hướng về Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để bà con trở về nguồn cội, thăm thân, thờ cúng tổ tiên, đóng góp cho quê hương đất nước; đã ban hành nhiều chính sách, cụ thể hóa và hoàn thiện các quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng thông thoáng, thuận tiện và đơn giản thủ tục; tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn tại về mua nhà ở trong nước, thừa kế, hôn nhân gia đình, nhận con nuôi... liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết có tình, có lý và trên cơ sở đạo lý Việt Nam các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại, nhằm thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ây vậy mà, một số ít người Việt Nam ở nước ngoài đến nay do thành kiến, mặc cảm, nên chưa hiểu đúng về tình hình đất nước, cố tình đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét