Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xâm phạm đến nguồn
lực quốc gia, làm lung lay niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà
nước, tác động tiêu cực đến sự ổn định và an ninh xã hội, gây tổn hại đến phát
triển bền vững của chế độ. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định
tham nhũng là “giặc nội xâm” nguy hiểm và kiên quyết đấu tranh với tất cả hành
vi tham nhũng, tiêu cực.
Trong
10 năm từ thời điểm Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được
thành lập, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 7.390 đảng
viên do tham nhũng; Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung
ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33
ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực
lượng vũ trang. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/
33.868 bị can về các tội kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực trên cả nước, bảo đảm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, Hội nghị
lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua chủ trương thành
lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đầu nhiệm kỳ
Đại hội XIII đến nay, có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật,
trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan
cấp tướng trong lực lượng vũ trang; cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra gần
4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Việc đẩy mạnh xử lý hành vi tham nhũng nêu trên không phải
là “càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều”, “Việt Nam không bao giờ
có thể chống tham nhũng thành công” như luận điệu các đối tượng xấu, cơ hội
chính trị cố tình lan truyền. Những số liệu nêu trên là các “con số biết nói”
thể hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đạt được những kết
quả hết sức quan trọng và đang đi đúng hướng. Trả lời câu hỏi vì sao số vụ
việc, vụ án tham nhũng bị đưa ra xử lý thời gian qua gia tăng, chúng ta cần có
cái nhìn khách quan, toàn diện. Tham nhũng tồn tại ở tất cả quốc gia trên thế
giới. Nằm trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng trên toàn cầu, Công ước Liên hợp
quốc về phòng, chống tham nhũng năm 2003 khẳng định: “Ngăn ngừa và xóa bỏ tham
nhũng là trách nhiệm của các quốc gia và rằng các quốc gia phải cùng nhau hợp
tác, với sự hỗ trợ và tham gia của các cá nhân và các nhóm ngoài khu vực công
như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng nếu nỗ
lực của họ trong lĩnh vực này có hiệu quả”. Do vậy, những thông tin, luận điệu,
quan điểm đổ lỗi cho rằng “tham nhũng là do thể chế chính trị một Đảng cầm
quyền gây ra”, “Việt Nam không bao giờ có thể chống tham nhũng thành công nếu
không thay đổi chế độ” là hoàn toàn sai sự thật, vô căn cứ, cần phải kiên quyết
loại bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét