Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc chính sách đất đai ở nước ta hiện nay

 

Cùng với lịch sử phát triển đất nước, công tác quản lý đất đai ở nước ta những năm qua cũng dần được hoàn thiện. Trong khi đó các đối tượng xấu đã tung ra nhiều thông tin, luận điệu sai trái, tiêu cực nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng đưa ra các kiến nghị, đề xuất không phải vì mục đích hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai mà chỉ là chiêu trò để thu hẹp, tiến tới loại trừ vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý đất đai; làm thay đổi bản chất xã hội, chệch hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng.

Một số kênh truyền thông có cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết, thông tin, đánh giá mang tính chất xuyên tạc, hướng lái tiêu cực trong dư luận. Chúng xuyên tạc trắng trợn về chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước ta, dẫn lời nhiều đối tượng bất mãn “Chính sách về đất đai này đã gây ra bao hệ lụy, oan ức cho người dân từ mấy chục năm qua”, chúng còn kêu gọi “chế độ đa sở hữu về đất đai” ở Việt Nam....

Không chỉ dừng lại ở đó các đối tượng phản động đã bới móc các vụ việc tiêu cực liên quan đến đất đai, tung ra những thông tin không được kiểm chứng, quy chụp, suy diễn các vụ việc liên quan đến đội ngũ cán bộ của Đảng để gây hoang mang dư luận. Trong đó, mũi nhọn công kích được các đối tượng xấu hướng vào một số vấn đề chính là những vi phạm, bất cập, hạn chế liên quan đến lĩnh vực đất đai để hạ bệ, bôi lem, vấy bẩn vai trò lãnh đạo của Đảng; đưa ra những quan điểm sai trái, hướng lái công tác lập pháp trong lĩnh vực đất đai; bóp méo sự thật, phủ nhận những kết quả đã đạt, thổi phồng những sai phạm trong lĩnh vực đất đai để kích động sự mâu thuẫn trong xã hội.

Những luận điệu xuyên tạc của chúng hòng gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, gây phân tâm trong dư luận về các vấn đề liên quan đến đất đai và quyền sử dụng đất. Do đó, cần tỉnh táo nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đất đai là tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai. Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII tiếp tục đưa ra các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, những bất cập liên quan đến vấn đề đất đai, phát triển hoàn thiện thể chế để bảo đảm vận hành hiệu quả thị trường quyền sử dụng đất, nhằm đảm bảo sự công bằng cho mọi người dân và đảm bảo nguồn lực phục vụ sự phát triển của đất nước.

Nghị quyết 18 đã nêu rõ "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm."

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật, cụ thể: Điều 53, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: "Đất đai, tài nguyên, khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý"; Điều 54 quy định: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai”. Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân. Vì vậy việc xác lập chế độ sở hữu toàn dân là hoàn toàn đúng đắn chứ không phải sai lầm như các đối tượng chống phá đang cố tình lan truyền. Việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Trên thực tế, Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của cá nhân. Người sử dụng đất có quyền được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý còn đảm bảo việc sử dụng đất một cách hợp lý, đúng định hướng phát triển của đất nước và của từng địa phương.

Hiện nay, việc sử dụng đất phải đảm bảo các nguyên tắc: Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất; người sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc quy hoạch đất đai phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Do vậy, nếu để sở hữu tư nhân về đất đai có thể sẽ kéo theo sự tích tụ đất đai tập trung vào một số cá nhân, tạo ra sự bất bình đẳng, làm gia tăng khoảng cách phân hóa trong xã hội, đặc biệt là việc đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trong điều kiện kiện hiện nay thực hiện nhất quán quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước nhằm phân bổ nguồn lực một cách công bằng, phục vụ cho lợi ích của đất nước, nhân dân trong quá trình phát triển

          Nhận thức được vấn đề này, mỗi cán bộ đảng viên chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhận diện đúng những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Kiên quyết đấu tranh chống lại các âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta đặc biệt trên không gian mạng. Tích cực tuyên truyền quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không cổ súy, lan truyền thông tin xấu gây hại cho Đảng và Nhà nước góp phần chung vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét