Tham nhũng là một vấn đề nan giải, một căn bệnh nhức
nhối với những biến dạng rất phức tạp, đang hoành hành trên nhiều lĩnh vực, gây
ra những hậu quả tiêu cực ở các quốc gia với chế độ xã hội khác nhau. Vì vậy, đấu
tranh bài trừ tham nhũng được các nước, trong đó có Việt Nam rất quan tâm, coi
đó là quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước và được thực hiện bằng nhiều
hình thức, biện pháp, trên nhiều phương diện, như: pháp luật, hành chính, chính
trị, kinh tế, đạo đức, văn hóa, lối sống, v.v.
Trong quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng
Cộng sản Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng và
đạt kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng vẫn có ý kiến
cho rằng tham nhũng là “chuyện thường tình trong xã hội Việt Nam dưới
chế độ xã hội chủ nghĩa”. Đây là luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, hòng hạ
thấp vai trò, uy tín, phủ nhận bản chất, quyết tâm chính trị của Đảng, cần phải
kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đang diễn ra rất quyết liệt,
không có vùng cấm, không kể cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, tham nhũng vật
chất hay tham nhũng quyền lực. Những kết quả đạt được trong cuộc đấu tranh này
thời gian qua đã tạo cơ sở, nền tảng vững chắc trong xây dựng hệ thống chính trị,
môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, củng cố được niềm tin của nhân dân đối
với Đảng, chế độ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc chiến chống
tham nhũng vẫn còn những vấn đề bất cập, chưa ngăn chặn được triệt để vấn nạn
này. Lợi dụng vấn đề đó, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội tăng cường chống
phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; nhất là bài viết của lực lượng khủng bố
Việt Tân đã lợi dụng để xuyên tạc đỏ lỗi cho Đảng và chế độ xã hội. chúng cho rằng:
chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tham nhũng; tham nhũng là thuộc
về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, v.v. Từ đó, chúng hồ đồ đưa
ra kết luận: chỉ khi nào ở Việt Nam dẹp bỏ được chế độ độc đảng, thực hiện chế
độ đa đảng thì nạn tham nhũng mới có thể dẹp bỏ được.
Để phê phán, phản bác có hiệu quả quan điểm sai
trái, thù địch cũng như những nhận thức không đúng trên, cần phải phân tích, luận
giải tường tận hơn vấn đề tham nhũng. Trước hết, chúng ta thấy rằng, tham nhũng
không phải do chế độ đa đảng hay một đảng, mà là do sự tha hóa quyền lực sinh
ra. Bởi thế, ngay trong xã hội thực hiện chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn cứ
hoành hành, thậm chí còn biểu hiện rất nguy hiểm, tình trạng tham nhũng còn leo
đến tận các nguyên thủ quốc gia. Ở một số nước, có nguyên thủ quốc gia khi thôi
giữ chức đã bị truy cứu về tội tham nhũng, như: Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc,… và gần
đây là ở Ma-lai-xi-a. Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), một số
nước theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền, như: Cô-lôm-bi-a,
Bra-xin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a,... thuộc nhóm “nước tham nhũng
nghiêm trọng”.
Ở mỗi nước có những cách thức tiến hành phòng, chống
khác nhau, nhưng đều thể hiện quyết tâm chống tham nhũng: Trung Quốc ban hành
các văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính trong
cán bộ Đảng và Nhà nước. Luật Chống tham nhũng (năm 1989) của Sing-ga-po cho
phép tòa án tịch thu tài sản của công chức nếu họ không giải thích được nguồn gốc
tài sản đó. Thái Lan yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả đơn thư
tố giác của người dân về tham nhũng, dù có ký tên hay không ký tên. Một số nước:
Cô-lôm-bi-a, Bra-xin, Sing-ga-po,... còn thiết lập các đường dây nóng để thu nhận
tin tức về tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng, v.v.
Ở Việt Nam, Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân,
do nhân dân và vì nhân dân, xét về bản chất không có cơ sở sinh ra tham nhũng.
Nhưng tại sao tham nhũng ở nước ta vẫn còn và thực sự nó đang là thứ “giặc nội
xâm”, là “kẻ thù của nhân dân”? Cần thấy rằng, Nhà nước ta “trong một mức độ rất
lớn, vẫn còn tàn dư của thời trước”, “vẫn là điển hình thực sự của bộ máy nhà
nước cũ”. Về khách quan, tham nhũng là do “vi rút” của xã hội cũ để lại và tác
động vào xã hội mới, phản ánh tình trạng quan liêu và sự tha hóa quyền lực. Thừa
nhận điều đó không có nghĩa là chúng ta “đầu hàng”, không thể khắc phục nổi
tham nhũng, nhưng nói tiêu diệt được ngay vấn nạn này, thì chúng ta lại rơi vào
không tưởng. Cần thấy rằng, ảnh hưởng của những “vi rút” đó đối với con người
và xã hội, cũng như việc khắc phục nó đến đâu lại do sức đề kháng của chế độ xã
hội mới - xã hội chủ nghĩa, do năng lực của Đảng cầm quyền, đặc biệt là đội ngũ
cán bộ trong hệ thống chính trị.
Như vậy, luận điệu tham nhũng là “chuyện thường
tình trong xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa” là luận điệu sai lầm,
phản động. Cả về lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, tham nhũng gắn với cá
nhân có quyền lực và tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ có nhà nước vì nó luôn gắn
với nhà nước và quyền lực. Chỉ có cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, nhưng
thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, thoái
hóa, biến chất, thiếu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, của nhân dân mới có thể
tham nhũng, suy thoái. Và, nếu để tình trạng này phát triển thì rất khó chống
tham nhũng hiệu quả.
Trong tiến trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vấn
đề chống tham nhũng luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm. Những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới đất nước, công tác
phòng, chống tham nhũng đã có những bước chuyển biến rất cơ bản, mạnh mẽ và
tích cực. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành nhiệm vụ đặc biệt
quan trọng, với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, được sự đồng
lòng, giúp sức của mọi tầng lớp nhân dân và có hiệu quả, “lò nóng lên rồi thì củi
tươi vào cũng phải cháy” đang thực sự tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhất là những
vụ án nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo
điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Như vậy, Đảng ta không chỉ có quyết tâm
chống tham nhũng mà còn có đủ năng lực chống tham nhũng hiệu quả.
Để có thể lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng
hiệu quả, Đảng, Nhà nước ta đang công phá mạnh vào vấn đề then chốt là thể chế
và quyền lực cá nhân. Đây là sự công phá mạnh vào tham nhũng, nhất là tham
nhũng quyền lực, bởi tính chất nguy hại của nó. Đồng thời, chú trọng thực hiện
nhiều biện pháp hữu hiệu kiểm soát việc trao và thực thi quyền lực, ngăn chặn,
loại trừ tham nhũng quyền lực. Xây dựng và thực hiện cơ chế đấu tranh chống tham
nhũng có hiệu quả, gắn chặt với cơ chế tổ chức, hoạt động đồng bộ của Đảng, Nhà
nước và cơ chế thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đặc biệt, Đảng ta đẩy mạnh
việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao tự
giác, tự phê bình và phê bình, tính chiến đấu trong hoạt động của tổ chức đảng,
cấp ủy các cấp; phát huy trách nhiệm và vai trò gương mẫu của người đứng đầu,
v.v. Một thực tế là, nếu chúng ta chống tham nhũng kém hiệu quả, thì các thế lực
thù địch sẽ lợi dụng để xuyên tạc, kích động, đòi Đảng ta phải từ bỏ sự lãnh đạo
đối với Nhà nước và xã hội. Nhưng khi chúng ta chống tham nhũng đạt kết quả
tích cực, thì chúng lại giở giọng điệu xuyên tạc, rằng đó là cuộc đấu tranh phe
phái, dù có quyết liệt thì cũng không thể thành công, vì do “một đảng cai trị”,
v.v. Điều đó cho thấy âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, chống phá cách mạng Việt
Nam của các thế lực thù địch không thay đổi, cũ rích, chẳng lừa được ai.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp
thiết, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Với quyết tâm chính trị
cao, chủ trương, giải pháp khoa học, cuộc đấu tranh chống vấn nạn này dưới sự
lãnh đạo của Đảng nhất định giành thắng lợi. Điều đó xuất phát từ bản chất,
năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước
và xã hội Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét