Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm
1947, Bác Hồ đã chỉ ra cụ thể về mục đích, yêu cầu, nội dung, cách thức, phương
pháp tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau
sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng
hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình
người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt…”. Hồ
Chí Minh khẳng định: tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén nhất làm cho
Đảng ta trong sạch, vững mạnh; là nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng; thực hiện
tốt tự phê bình và phê bình Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng
thành công.
Hơn 92 năm qua, nhờ thực hiện nghiêm túc tự
phê bình và phê bình Đảng Cộng sản Việt Nam đã sửa chữa kịp thời nhiều sai lầm,
khuyết điểm, làm cho Đảng ngày càng lớn mạnh, vượt qua những khó khăn thử
thách, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong các
tổ chức đảng và đảng viên của Đảng, phần lớn đã nhận thức đúng, hiểu đúng và
thực hành đúng theo nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Nhờ đó, đã chỉ ra cho
nhau mặt ưu điểm để phát huy, những hạn chế khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa.
Theo quy định của Đảng, kết thúc một năm hoạt
động, các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên tiến hành kiểm điểm tự phê bình và
phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức
đảng và đảng viên. Đối với đảng viên, tiến hành kiểm điểm từng người tại chi bộ
và được các đảng viên khác tham gia phê bình, góp ý, đồng thời bình xét mức độ
hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên, công tác góp ý phê bình trong kiểm điểm đảng viên
vào dịp này là hết sức quan trọng, nhằm chỉ ra cho đồng chí mình những ưu điểm,
thế mạnh để tiếp tục phát huy và phấn đấu, đồng thời chỉ ra những hạn chế,
nhược điểm để khắc phục, sửa chữa, để cùng nhau tiến bộ, đoàn kết gắn bó với
nhau hơn.
Thực tế hiện nay không ít cán bộ, đảng viên
quan niệm phê bình là vạch cái sai của người khác, là đấu tranh không khoan
nhượng với đồng chí mình, đó là quan niệm sai lầm. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình; là giúp đồng chí
thấy các điểm mạnh để phát huy, thấy điểm yếu để sửa chữa và thấy trách nhiệm
của mình hỗ trợ đồng chí quyết tâm sửa chữa. Nhưng trong thực tế một số người
dùng thủ đoạn phản phê bình nhằm làm cho phê bình bị biến dạng, để phục vụ
những mưu đồ cá nhân thể hiện ở 3 dạng sau:
Phê để mà phê, phê để làm
phép, phê chung chung, phê mà như chẳng phê, phê chiếu lệ theo kiểu “phê bình
một chiều”, nghĩa là chẳng trúng vào ai và tất nhiên “chẳng chết ai”. Thực
chất, đó là cách vô hiệu hóa phê bình rất tinh vi, vô trách nhiệm.
Phê để nịnh, phê để khen nhau và tâng bốc
nhau, cố tình ph.óng đại, bơm thổi những cái hay, cái tốt ấy như kiểu “biến con
kiến thành con voi”, cốt để phỉnh nịnh nhau, tâng bốc nhau, nhằm tạo ra cái gọi
là uy tín của mình, củng cố cánh hẩu của mình. Thực chất đó là tước bỏ sức mạnh
của vũ khí phê bình, như thế có thể được lòng một người nhưng phá tan cả tổ
chức.
Phê bình để hạ nhục, xỉ vả nhau, thậm chí là
để vu khống, dựng chuyện để bôi nhọ, loại trừ đồng chí mình, đây là hành động
thấp hèn, mỉa mai, bới móc, báo thù nhau. Như vậy sẽ mất tính Đảng, vi phạm kỷ
luật của Đảng, vi phạm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, là xúc phạm đến danh
dự, nhân phẩm của người khác, như thế là vi phạm pháp luật. Đây còn là biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.
Để phê bình trong Đảng bảo đảm đúng tính chất, mục đích, phát
huy tác dụng và đúng phương pháp, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng và đảng viên phải
nhận thức và có thái độ đúng đắn về phê bình trong sinh hoạt Đảng. Đối với mỗi
tổ chức đảng cần có thái độ kiên quyết chống lại những biểu hiện, những hành
động làm biến dạng phê bình trong sinh hoạt Đảng. Đồng thời có biện pháp xử lý
kỷ luật thích đáng đối với những đảng viên lợi dụng phê bình để phục vụ cho
động cơ không trong sáng của cá nhân, làm cho đảng ta thật sự trong sạch, vững
mạnh, là đạo đức, là văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét