Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

PHẢN BÁC NHỮNG LUẬN ĐIỆU CHỐNG PHÁ, XUYÊN TẠC ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM


Xuyên tạc các chủ trương lớn của Việt Nam, trong đó có hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, những giọng điệu bôi nhọ, những hành động chống phá càng trở nên phổ biến. Từ tụ tập gây sức ép nhằm cản trở nỗ lực mở rộng quan hệ đa phương trong các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo cấp cao cho đến bóp méo thông tin trong các lĩnh vực như kinh tế, quyền con người… tạo nên những hình ảnh sai lệch về Việt Nam. Hay đưa ra những thông tin trái ngược với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước nhằm gây hoang mang trong nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế khác hẳn những luận điệu xuyên tạc như các thế lực thù địch. Vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thế giới. Nhìn vào lịch sử dân tộc, cùng với những cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, ông cha ta đã tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại.

Trong hàng nghìn năm, đối ngoại đã được dùng để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh, hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất. Trong những năm tháng cách mạng. mặt trận ngoại giao đã luôn đóng vai trò trọng yếu góp phần tạo nên những thắng lợi hết sức cho sự nghiệp đối nội xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi hòa bình lập lại, đối ngoại đã trở thành một mặt trận, tạo lối, mở đường, từng bước phá thế, bị bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới cho công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Những thành tựu sau 37 năm đổi mới đã khẳng định sự đúng đắn của việc xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao của riêng Việt Nam: Kiên định, nhưng linh hoạt, vừa đảm bảo vai trò, vị thế của đất nước nhưng vẫn xử lý hài hòa được các mối quan hệ với các đối tác, đảm bảo những điều kiện nhất cho phát triển đất nước.

Nền ngoại giao Việt Nam với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân luôn đặt dưới lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước. Dù có vị trí, chức năng, vai trò và lợi thế khác nhau, nhưng ba trụ cột đối ngoại có quan hệ rất chặt chẽ và bổ trợ lẫn nhau bởi cùng thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng với mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia- dân tộc. Điều này phản ánh bản chất nền ngoại giao Việt Nam là sự tổng hòa, thống nhất giữa tính đảng, tính quốc gia- dân tộc và tính dân chủ- nhân dân. Việc triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân sẽ phát huy thế mạnh của từng trụ cột đối ngoại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam. Đây vừa là truyền thống và bài học quý báu, vừa là nghệ thuật “tập hợp lực lượng” độc đáo của đối ngoại cách mạng Việt Nam cần tiếp tục gìn giữ và phát huy trong giai đoạn mới.

Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng ta thời kỳ đổi mới, là kim chỉ nam cho triển khai đối ngoại đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả trong thời gian tới. Để các chủ trương, định hướng đối ngoại của Đại hội XIII đi vào cuộc sống, cần sớm có chiến lược tổng thể về đối ngoại gắn kết chặt chẽ với chiến lược bảo vệ Tổ quốc và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, trên cơ sở đó thống nhất nhận thức và hành động, xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, kế hoạch, biện pháp đối ngoại trong từng lĩnh vực, với từng đối tác.        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét