Hiện nay, trong xã hội và ngay trong đội ngũ cán
bộ, đảng viên xuất hiện không ít ý kiến cho rằng, để Việt Nam tăng tốc phát
triển, thoát bẫy thu nhập trung bình thì cần phải rập khuôn mô hình phát triển
kinh tế, sao chép luật pháp, sao chép hệ thống giáo dục, sách giáo khoa của các
nước phát triển. Thực tế cho thấy, những đòi hỏi trên là vô lý và nguy hiểm.
Bởi sự rập khuôn đó rất dễ dẫn đến những sự chuyển hóa về chất của cả thể chế
chính trị, xã hội và con người của một quốc gia.
Đòi “tam quyền phân lập” - sự đánh tráo giá trị.
Nói về những đòi hỏi rập khuôn nêu trên xin được
chỉ ra những ví dụ. Đầu tiên cần phải nhắc tới ý kiến đòi hỏi rập khuôn về mô
hình tổ chức quyền lực nhà nước theo “tam quyền phân lập”. Những người yêu cầu
rập khuôn mô hình nói trên cho rằng, chỉ có phân chia quyền lực nhà nước theo
“tam quyền phân lập” thì mới kiểm soát được quyền lực, mới ngăn chặn được tham
nhũng.
“Tam quyền phân lập” với tư cách là một học thuyết
là sản phẩm của nền dân chủ phương Tây. Có thể xem, học thuyết phân quyền có
giá trị về chính trị-kỹ thuật pháp lý trong tổ chức quyền lực nhà nước. Bởi
theo học thuyết này, quyền lực nhà nước không được tập trung vào một người hay
một cơ quan mà được cấu thành từ 3 quyền cơ bản: Lập pháp, hành pháp và tư
pháp. Ba quyền được giao cho 3 cơ quan khác nhau, có nhiệm vụ, quyền hạn độc
lập tương đối với nhau. Giữa 3 quyền này có sự kiểm soát, thậm chí có sự kiềm
chế, đối trọng lẫn nhau. Hiện nay, các nước vận dụng học thuyết này hết sức đa
dạng, muôn màu, muôn vẻ. Cũng phân chia quyền lực nhà nước thành lập pháp, hành
pháp và tư pháp nhưng nhiệm vụ và quyền hạn cũng như cách thức tổ chức mỗi
quyền thì ở từng nước quy định rất khác nhau. Có nước giữa quyền lập pháp và
quyền hành pháp không có sự độc lập đối trọng chế ước lẫn nhau (như nước Anh)
mà dựa vào phe đối lập thiểu số trong nghị viện. Có nước, giữa quyền lập pháp
và quyền hành pháp lại độc lập, kiềm chế và đối trọng một cách cứng rắn (như
nước Mỹ); có nước, kiềm chế đối trọng một cách mềm dẻo giữa các quyền (như ở
Đức).
Việc vận dụng học thuyết tam quyền phân lập vào tổ
chức quyền lực nhà nước ở các nước tư sản khác nhau, bởi tổ chức quyền lực nhà
nước về phương diện chính trị và kỹ thuật pháp lý phụ thuộc vào rất nhiều yếu
tố, như: Tương quan lực lượng giữa các giai cấp, nhất là trong nội bộ của giai
cấp cầm quyền, đặc thù của cuộc đấu tranh giai cấp ở trong nước và trên trường
quốc tế, tư tưởng lập hiến của những người đương thời... Tất cả yếu tố đó đều
là những nhân tố chi phối và ảnh hưởng đến việc vận dụng học thuyết phân quyền
trong tổ chức quyền lực nhà nước của mỗi nước.
Vì thế, không thể nói đơn giản rằng phân quyền theo
mô hình của nước này thì tốt, còn theo mô hình của nước kia thì không tốt, theo
mô hình này thì dân chủ, theo mô hình kia thì không có dân chủ. Trên thế giới
tuyệt nhiên không có sự sao chép, rập khuôn máy móc mô hình tổ chức nhà nước
của nước này cho nước kia. Những đòi hỏi cho rằng, tổ chức quyền lực nhà nước
của nước này phải giống nước kia mới có dân chủ và quyền con người chỉ là sự
nhầm tưởng của một số người.
Tại Việt Nam, mô hình tổ chức nhà nước của chúng ta
không thực hiện “tam quyền phân lập” mà theo Hiến pháp 2013 thì “quyền lực nhà
nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà
nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Những minh
chứng trên thực tế đã cho thấy mặc dù không thực hiện “tam quyền phân lập”
nhưng việc kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng có kết quả tích cực, các giá
trị về dân chủ, quyền con người được Nhà nước ta thực hiện tốt, phù hợp với
trình độ phát triển, được quốc tế công nhận.
Không thể có một mô hình phát triển chung cho mọi
quốc gia
Trong xã hội còn có những đòi hỏi cải cách thể chế
để tăng tốc phát triển kinh tế. Có ý kiến cho rằng, cần phải áp dụng thể chế
kinh tế của các nước phát triển thì Việt Nam mới thoát được bẫy thu nhập trung
bình. Câu hỏi đặt ra là, vậy liệu có mô hình phát triển nào có sẵn phù hợp để
bê nguyên xi vào Việt Nam hay không? Tại sao mô hình Anh, Mỹ đưa lại sự phát
triển cho Anh, Mỹ, Australia, New Zealand, Canada nhưng lại không đưa lại sự
phát triển cho Philippines. Trước đây, Ấn Độ là thuộc địa của Anh nhưng mô hình
thể chế của Anh cũng không đưa lại sự phát triển đột biến ở Ấn Độ. Tại sao lại
như vậy? Tại sao mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đưa lại sự thịnh vượng và
đưa một số nước có văn hóa Đông Bắc Á từ nước đang phát triển lên thành nước
phát triển, nhưng mô hình này không thành công với các nước khác?
Cũng để nhằm xây dựng thể chế phù hợp cho phát
triển kinh tế, nhiều ý kiến lại cho rằng Việt Nam không cần vất vả trong xây
dựng luật pháp, mà chỉ cần áp dụng các luật tiến bộ của các nước phương Tây.
Điều này bị chính các nhà nghiên cứu của các nước
phương Tây phủ định. Nhà chính trị học kinh điển người Pháp Pierre Legrand đã
bác bỏ khả năng rập khuôn pháp luật nước ngoài: “Nói một cách thẳng thắn, trong
trường hợp tốt nhất, điều có thể du nhập từ nước này vào nước khác chỉ là những
từ ngữ vô hồn”. Thực tế cho thấy, vào thập niên 1960, Mỹ đã thất bại trong việc
“xuất khẩu” những tư tưởng pháp lý vào các nước Nam Mỹ, châu Phi; hoặc các nước
XHCN cũ vay mượn những khái niệm, chế định của Liên Xô cũng thất bại... Ở Việt
Nam, việc áp dụng máy móc pháp luật Liên Xô thời mệnh lệnh hành chính đã cho
thấy những bất cập. Và ngay cả những quy định của pháp luật phương Tây nếu áp
dụng máy móc cũng không thể thực hiện được, ví dụ như Luật Phá sản năm 2004 hay
Luật Doanh nghiệp năm 1999. Trong các trường hợp này, những từ ngữ pháp lý xa
lạ được bê nguyên xi vào bối cảnh nội địa. Cùng với đó, người làm luật nếu chỉ
chú trọng du nhập văn bản và quy định pháp luật, mà ít lưu tâm đến những học
thuyết làm nền tảng cho các quy định đó vận hành thì luật khó điều chỉnh được
quan hệ pháp lý ngoài thực tiễn.
Bởi pháp luật liên quan tới thể chế chính trị, pháp
luật bị ảnh hưởng bởi văn hóa, thực trạng xã hội nên việc tiếp nhận pháp luật
phải kéo theo việc tiếp nhận quan điểm, học thuyết về pháp luật sẽ không dễ
dàng. Luật chỉ có thể có hiệu lực thực tế nếu tồn tại các tiền đề cần thiết
trong xã hội. Tiếp nhận quan điểm pháp luật cần phải phù hợp với môi trường
chính trị, xã hội, tập quán, truyền thống, đạo đức trong xã hội Việt Nam.
Giáo dục phải hướng tới mục tiêu xây dựng con người
Việt Nam XHCN
Đối với lĩnh vực giáo dục, mục tiêu của hệ thống
đào tạo của Việt Nam là phải đào tạo ra các công dân Việt Nam-một nước XHCN, có
truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy, hệ thống giáo dục-đào tạo của
Việt Nam phải đáp ứng các chuẩn mực về chính trị và văn hóa, cùng với đó mới là
tiếp nhận các giá trị chung tiến bộ của nhân loại. Mọi ý muốn sao chép, rập
khuôn hệ thống giáo dục, sách giáo khoa của nước khác đều sẽ mang lại rủi ro
lớn nếu không bám vào các chuẩn mực giáo dục của Việt Nam, nếu thiếu kiểm soát.
Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, trước rất nhiều
sức ép về chính trị, kinh tế, nếu mỗi quốc gia, mỗi dân tộc không tự định vị
được giá trị, bản sắc của mình thì rất dễ bị hòa tan và biến mất. Một quốc gia
có thể mất chủ quyền ngay cả khi chưa có tiếng súng xâm lược nào vang lên, lãnh
thổ quốc gia chưa bị xâm phạm. Ấy là khi người dân của quốc gia, dân tộc đó
không còn thực sự hiểu rõ về mình, về cội nguồn của mình. Cho nên, đối với
những vấn đề phát triển của một quốc gia như xây dựng thể chế, tăng trưởng kinh
tế, các giá trị của dân chủ, quyền con người... đều phải phù hợp với hệ giá trị
mà quốc gia đó định hướng xây dựng. Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc
gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam
trong thời kỳ mới" dự kiến được tổ chức ngày 29-11-2022 tại Hà Nội là một
cơ hội rất cần thiết để các nhà nghiên cứu bàn luận, khẳng định về hệ giá trị
của Việt Nam. Đó sẽ là lời nhắc nhở, soi rọi ra các vấn đề của xã hội, để đất
nước ta phát triển mà không đánh mất bản sắc của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét