Tuy có nhiều cách tiếp cận nhìn nhận, đánh giá và quan niệm khác nhau về
“xã hội dân sự” (civil society) tùy thuộc và mỗi giai đoạn lịch sử và những
hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng giai đoạn lịch sử đó, nhưng các quan điểm
của các học giả phương Tây đều gặp nhau ở những điểm cốt lõi, đó là:
Về tổ chức, xã hội dân sự là một tổ hợp của các thiết chế chính trị - xã
hội phù hợp với hệ thống dân chủ, tự do và kinh tế thị trường, bao gồm: các tổ
chức cộng đồng, các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi
chính phủ. Trong một không gian công cộng, các thiết chế này được hình thành
một cách tự nguyện, độc lập, có thể thảo luận, tranh luận với nhau; độc lập
hoặc cùng nhau thảo luận, tranh luận với nhà nước về các vấn đề chính trị, kinh
tế, xã hội để tạo ra sự đồng thuận trong những vấn đề của đời sống xã hội đặt
ra.
Về bản chất, xã hội dân sự là xã hội tự lập phi nhà nước, được hình thành
và vận hành trong không gian công cộng và tư nhân, nằm ngoài vùng ảnh hưởng
trực tiếp của yếu tố nhà nước. Đó là sự khác biệt giữa “xã hội dân sự” với “xã
hội quân sự” hay “xã hội chính trị” (nhà nước), nhưng xã hội dân sự có thể được
nhà nước hậu thuẫn. Những vấn đề xã hội dân sự không tự giải quyết được thì
thuộc chức năng của nhà nước.
Là những nhà triết học duy vật biện chứng, C.Mác và Ph.Ăngghen quan niệm
“Xã hội dân sự theo đúng nghĩa của nó được sinh ra từ xã hội tư sản. Nó được
hình thành bởi những chế định lịch sử - xã hội, bởi những hình thức quan hệ sản
xuất đặc biệt, bởi những hình thức quan hệ và đấu tranh giai cấp và được bảo vệ
bởi những cơ chế chính trị - pháp lý tương ứng”… Về bản chất của xã hội dân sự,
theo C.Mác, chủ quyền của nhân dân phải trở thành vấn đề trung tâm trong một xã
hội dân sự đích thực, làm cơ sở cho một chế độ dân chủ và một nhà nước dân chủ
chân chính. Đó là tư tưởng cách mạng sâu sắc có tính định hướng cho việc nhìn
nhận, đánh giá và xác định tính đúng đắn của một số tổ chức được coi là xã hội
dân sự và cơ sở, tiêu chí để khẳng định những thiết chế chính trị xã hội lợi
dụng danh nghĩa “xã hội dân sự” để chống đối chính quyền nhân dân.
Chiến lược “Diễn biến
hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN)
được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt hướng
tới một mục đích cuối cùng là làm sụp đổ chế độ XHCN, làm tan rã các Đảng Cộng
sản, thiết lập chế độ đa nguyên, đa đảng. Trong quá trình này, “xã hội dân sự”
được họ sử dụng như một công cụ quan trọng. Thực tiễn sự sụp đổ của chế độ XHCN
ở Đông Âu và Liên Xô trước đây là diễn ra theo kịch bản này. Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt
Nam, các thế lực thù địch tập trung tuyên truyền cổ vũ cho chế độ đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam. Luận điệu của họ là trong nền chính trị
Việt Nam phải tồn tại các nhóm chính trị, các chính đảng khác nhau để đa dạng
hóa đường lối cho nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử tự do thì mới đảm bảo cho
một nền dân chủ. Vì vậy, những năm qua các phần tử chống CNXH luôn tìm mọi cách
tập hợp lực lượng, cho ra đời tổ chức, đảng phái chính trị đối lập trong nước.
Thực tiễn ở nước ta, thời gian qua có nhiều tổ chức, hội
nhóm được thành lập và hoạt động; Trong đó có những
hội, nhóm, câu lạc bộ, viện nghiên cứu thành phần tham gia khá phức tạp. Được sự
cổ vũ, khích lệ của các thế lực chống CNXH ở bên ngoài, họ thường xuyên gặp gỡ
bàn bạc, biên soạn, phát tán tài liệu có nội dung phê phán đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số tổ chức thông qua
hoạt động nghiên cứu, phản biện, tư vấn để truyền bá quan điểm, tư tưởng sai
trái, phê phán đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cổ súy cho một phong
trào “xã hội dân sự” độc lập. Họ còn tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, trả lời
phỏng vấn, đăng tải trên trang mạng các bài viết phủ nhận thành quả cách mạng,
yêu cầu Đảng ta từ bỏ vai trò lãnh đạo; tổ chức dịch, phát hành hàng chục đầu
sách của các tác giả nước ngoài có nội dung nhạy cảm về chính trị, đề cập đến sự
tan rã của Liên Xô, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu như những
tài liệu phổ biến kinh nghiệm biểu tình, lật đổ, tiến hành “cách mạng đường phố”,
“cách mạng màu”, cổ vũ cho “xã hội dân sự” đối lập…
Thời gian tới, hoạt động của các thế lực thù địch đối với vấn đề “xã hội
dân sự” ở Việt Nam sẽ được đẩy mạnh theo các hướng sau:
Một là, gia tăng hoạt động truyền bá tư tưởng “xã hội dân sự” của phương
Tây, đề cao và tuyệt đối hóa để gây áp lực xã hội đối với đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tiền đề cho sự ra đời, phát
triển của “xã hội dân sự” Việt Nam - mầm mống của đa nguyên chính trị, đa đảng
đối lập.
Hai là, tập trung tuyên truyền tác động phá hoại nội bộ, thúc đẩy quá
trình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” nhằm tạo dựng, phát triển lực lượng chống đối, bổ sung nhân sự cho
việc hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” chính trị, đối lập với Đảng Cộng
sản Việt Nam.
Ba là, gia tăng các hoạt động móc nối, tác động chuyển hóa các tổ chức xã
hội dân sự đích thực ở Việt Nam, nhất là các hội, các tổ chức phi chính phủ trở
thành các tổ chức “xã hội dân sự” kiểu phương Tây, làm mất dần bản chất đích
thực, vai trò quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự hiện nay. Từ đó sẽ trực
tiếp chi phối, khích lệ các hoạt động chống đối chế độ, đòi thực hiện đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập ở nước ta. Đây là bước chuẩn bị điều kiện nhân sự,
tổ chức cho sự ra đời của đảng chính trị đối lập, từng bước công khai hóa, hợp
thức hóa, quốc tế hóa trở thành đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua
đấu tranh chính trường, từng bước gạt Đảng Cộng sản Việt Nam khỏi vũ đài chính
trị, chiếm đoạt quyền lực, đưa nước ta theo quỹ đạo của phương Tây.
Bốn là, sử dụng các tổ chức “xã hội dân sự” chính trị làm công cụ tuyên
truyền tác động tư tưởng, lôi kéo quần chúng, những người có tâm tư bất mãn
trong các giai tầng xã hội, các phần tử chống chủ nghĩa xã hội để tập hợp lực
lượng quần chúng, chuẩn bị điều kiện kết hợp với các hoạt động gây mất ổn định
chính trị - xã hội để phát động một cuộc “cách mạng đường phố”, thay đổi chế độ
chính trị ở Việt Nam.
Đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù
địch lợi dụng “xã hội dân sự” chống phá Việt Nam trong chiến lược “diễn biến
hòa bình”, bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trước hết,
phải xác định đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp, các
lực lượng vũ trang.
Vấn đề đầu tiên đặt ra là phải thống nhất và nâng cao nhận thức về xã hội
dân sự, phân biệt và đánh giá đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng của các tổ
chức xã hội dân sự đích thực để tập trung lãnh đạo, định hướng cho các tổ chức
này tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước, tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an
ninh quốc gia, cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch,
không để bị tác động, lôi kéo vào các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật
tự, an toàn xã hội. Không đánh đồng các tổ chức xã hội dân sự đích thực với các
tổ chức “xã hội dân sự” theo mô thức của phương Tây.
Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cho
cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân các giai tầng xã hội để thấy rõ âm mưu
của các thế lực thù địch trong việc cổ súy và sử dụng các tổ chức “xã hội dân
sự” vào mục đích thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Các cơ quan chức năng
cần làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền,
tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng, không
chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, không để hình thành tổ chức
chính trị đối trọng với Đảng và Nhà nước. Kiên quyết giữ vững ổn định chính trị
- xã hội, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội,
phục vụ đất nước ổn định và phát triển đúng định hướng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét