Từ trước đến nay, hầu như
các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước trước khi ban hành (hay sửa
đổi, bổ sung) chủ trương, chính sách, cơ chế, quy định nào cũng đều lấy ý kiến
đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và những đối tượng liên quan trực
tiếp hay chịu sự tác động của chủ trương, chính sách, quy định đó.
Cái hay của việc làm này là
huy động, phát huy được trí tuệ tập thể, vì càng có nhiều đóng góp ý kiến, cơ
quan soạn thảo và người có thẩm quyền càng có cơ hội tiếp cận, chọn lọc được
những ý kiến xác đáng, phù hợp để hoàn thiện văn bản. Cũng nhờ đó mà giá trị
khoa học, giá trị thực tiễn, giá trị nhân văn của chủ trương, chính sách trở
nên hoàn thiện hơn và phản ánh đúng quy luật cuộc sống, quy luật phát triển xã
hội.
Vấn đề mấu chốt là ở chỗ:
Người góp ý có thực tâm không? Cơ quan xây dựng, soạn thảo văn bản và người có
thẩm quyền tiếp thu có thực chất không? Nói ra điều này vì thời gian qua, nhiều
nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người không quan tâm đúng mức đến cả việc
góp ý và tiếp thu. Người góp ý (bao gồm cơ quan cấp dưới, cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động có liên quan) đôi khi có cảm giác bị “bội thực” vì
nhiều văn bản của cấp trên gửi xuống yêu cầu cấp dưới đóng góp ý kiến, nhưng
hoặc do thiếu thời gian nghiên cứu, hoặc do tâm lý “mình ý kiến liệu cấp trên
có tiếp thu không”, vì thế chỉ đóng góp qua loa, đại khái, cốt cho xong việc.
Trong khi đó, cơ quan cấp trên, mà chủ yếu là bộ phận tham mưu cho cấp trên xây
dựng, soạn thảo văn bản lại xem nhẹ, thậm chí làm ngơ, không rà soát, xem xét
kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của cấp dưới nên văn bản sau khi ban hành cơ bản
vẫn như ban đầu.
Đó là biểu hiện góp ý không
thực tâm, tiếp thu không thực chất. Nói thẳng ra đây chính là bệnh hình thức
trong quy trình xây dựng, soạn thảo, góp ý chủ trương, chính sách, văn bản quy
phạm pháp luật còn tồn tại trong một bộ phận cơ quan công quyền ở nước ta hiện
nay. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao một số văn bản, quy định của
nhiều bộ, ngành, cơ quan và chính quyền địa phương ban hành chưa ráo mực đã
không phát huy hiệu lực, hiệu quả, thậm chí phải sớm thu hồi vì không phù hợp
với thực tiễn cuộc sống.
Cá biệt có bộ luật, có điều
luật được chuẩn bị kéo dài hàng năm trời, với hàng chục cơ quan liên quan có ý
kiến, hàng trăm người góp ý, nhưng cuối cùng cũng không được thông qua vì ít
nhiều có biểu hiện cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của chính cơ quan xây
dựng, soạn thảo luật. Theo các chuyên gia luật, trong khi người góp ý không
xuất phát từ tấm lòng trung thành với lợi ích Tổ quốc, lợi ích nhân dân, lợi
ích cho số đông, mà người có thẩm quyền (cơ quan có trách nhiệm) lại không thực
lòng tiếp thu ý kiến thật sự xác đáng, tâm huyết của các chuyên gia, các nhà
khoa học thì những bộ luật, điều luật sẽ rơi vào tình trạng “chưa nở đã tàn” là
đương nhiên.
Nếu để bệnh hình thức tiếp
tục tồn tại trong quy trình xây dựng, soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện
chủ trương, chính sách ở các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước thì
không chỉ làm lãng phí thời gian, công sức (vì nhiều người đóng góp ý kiến
nhưng không thực tâm, người có trách nhiệm tiếp thu không thực chất), mà còn
tạo ra nguy cơ lãng phí niềm tin trong xã hội. Gọi là “lãng phí niềm tin” bởi
lẽ niềm tin của nhân dân, niềm tin của xã hội vô hình trung bị hao tổn vào
những quyết sách, văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính khả thi trong thực
tiễn. Đây là mầm mống có thể gây bất ổn tâm lý xã hội mà các nhà xã hội học
từng cảnh báo nên không thể xem thường.
Góp ý thực tâm, tiếp thu
thực chất vừa là phương pháp làm việc khoa học, vừa là thái độ ứng xử khôn
ngoan để tạo tiền đề cho ra đời những chủ trương, quyết sách đúng đắn, khả thi,
vừa là một cách phòng ngừa, giảm thiểu những văn bản quy định theo kiểu “chính
sách trên trời, cuộc đời dưới đất” như một đại biểu Quốc hội từng thẳng thắn
nêu ra./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét