Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

ĐỂ TỪ CHỨC TRỞ THÀNH NÉT VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ


Trong hệ thống công quyền ở nước ta, cán bộ từ chức hiện nay được nhìn nhận dưới hai góc độ. Thứ nhất là cán bộ có sai phạm khi thực thi công vụ. Trong đó, một số từ chức vì tự trọng, danh dự khi sai phạm của họ chưa đến mức phải cách chức. Số còn lại từ chức, nghỉ việc vì sai phạm của họ đến mức phải xử lý, nếu họ không từ chức thì tổ chức cũng sẽ cách chức. Thứ hai là cán bộ từ chức vì sức khỏe; vì tạo cơ hội cho người khác; vì công việc không phù hợp với chuyên môn; vì có định hướng khác... Thẳng thắn nhìn nhận, từ chức vốn là vấn đề không dễ dàng với mỗi cá nhân do nó liên quan đến lợi ích, quyền lực, danh dự... thậm chí là "cơm áo" hằng ngày của chính người đó.

Những năm tháng kháng chiến, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, cán bộ phần lớn xả thân đi làm cách mạng, chịu mọi tù đày cũng chỉ mong cách mạng thành công, đến ngày được giải phóng. Khi đó, bổng lộc, quyền lợi với họ chỉ là thứ yếu, họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì tổ chức. Bởi thế, chuyện họ từ chức khi thấy mình không hoàn thành tốt công việc, hay nhường cơ hội cho người khác... diễn ra nhẹ nhàng. Ngày nay, nhiều cán bộ trưởng thành trong hòa bình (một số được thừa hưởng cuộc sống đầy đủ từ gia đình), gắn liền với quyền lợi, bổng lộc, bởi thế không dễ để họ từ bỏ những điều đang có.

Bên cạnh đó, gánh nặng khiến nhiều cán bộ không dám từ chức đó là sức ép từ gia đình, dòng họ, đồng nghiệp. Sức ép từ quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ” là áp lực lớn với nhiều cán bộ. Chức tước ở nước ta vẫn bị mặc định là “tiêu chuẩn” đánh giá sự thành đạt, địa vị xã hội không chỉ với cá nhân mà còn với gia đình, dòng họ, thậm chí mang tính địa phương. Dân tộc ta trọng tri thức, trọng danh nên luôn quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”, “làm quan phát tài”. Về bản chất, đây là những quan niệm tốt đẹp, cái “cả họ được nhờ” ở đây là tiếng tốt, tiếng thơm, nhưng dần dần nó mặc nhiên được hiểu là sự nâng đỡ, mang lại lợi ích vật chất, quyền lực cho dòng họ.

Mặt khác, dù là một góc khuất nhưng rất cần “điểm mặt, chỉ tên” đó là tình trạng cán bộ chạy chức, chạy quyền không phải là chuyện hiếm. Ai đó, bỏ tiền bạc để chạy chức thì khó để họ từ chức.

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có những quy định rõ ràng cũng như khuyến khích cán bộ có sai phạm, không đủ uy tín từ chức, tuy vậy, chúng ta chưa xây dựng được thiết chế thuận tiện để cán bộ đã từ chức, nghỉ việc quay trở lại làm việc. Thực tế, những cán bộ đã từ chức, nghỉ việc thì rất khó có cơ hội trở lại hệ thống công quyền.

Những tấm gương trong lịch sử

Từ chức theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Ở một chừng mực nhất định, trong lịch sử dân tộc, văn hóa công vụ về từ chức đã hình thành dù chưa phổ biến. Nó thể hiện lòng tự trọng, giữ phẩm giá của mỗi người. Khi thấy mình không đủ năng lực, không đủ uy tín để lãnh đạo, dẫn dắt, mở đường thì từ chức là cần thiết. Từ chức đúng cũng là tiếng nói phản biện, chống lại cái sai, cái không phù hợp. Lịch sử dân tộc ta đã có những người như thế. Nhà giáo-đại quan Chu Văn An, đại thi hào Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm... là những người đã khẳng khái từ quan khi khuyên can triều đình những việc làm sai trái mà không được chấp thuận. Lịch sử dân tộc còn ghi việc nhiều vị quan tướng đã từ quan để phản đối sau khi Vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn ký các hiệp ước đầu hàng thực dân Pháp. Cũng trong lịch sử các triều đại phong kiến, nhiều bậc danh tướng cầm quân đánh giặc, khi thất bại đã từ chức, tự trói mình chịu tội với triều đình.

Thời đại Hồ Chí Minh, vì sự nghiệp lớn lao của cách mạng, nhiều đồng chí giữ các cương vị quan trọng đã sẵn sàng rút lui khỏi chức vụ để thuận lợi cho cách mạng, sẵn sàng từ chức khi thấy mình chưa hoàn thành tốt trọng trách. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành lập, khi tổ chức Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Ủy ban Trung ương Quốc dân Đại hội bầu ra, đáng lẽ cũng tham dự Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động xin rút, để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần phát biểu trước Đảng, trước dân cũng đã đánh giá rất cao công lao và sự hy sinh quyền lợi của các đồng chí đó. Trong quá trình công tác, cũng có nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng tự nguyện xin rút khỏi các vị trí lãnh đạo. Sau sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đảng, đồng chí Trường Chinh xin từ chức Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xin rút khỏi Bộ Chính trị. Hay như đồng chí Nguyễn Văn Linh từng xin rút khỏi Bộ Chính trị, nhưng sau đó, với những đóng góp quan trọng cho Đảng, cho đất nước, ông trở lại tham gia Bộ Chính trị rồi trở thành Tổng Bí thư.

Ngày nay, có một số cán bộ mạnh dạn từ chức để dành cơ hội cho người khác. Một trong số đó là ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam). Ông Nguyễn Sự từ chức Bí thư Thành ủy trước hai năm của nhiệm kỳ. Việc ông Nguyễn Sự từ chức đã gây sự tiếc nuối với nhiều người vì ông là cán bộ có uy tín, luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và không có sai phạm.

Trên thực tế, thời gian qua, đã có một số cán bộ giữ các chức vụ quan trọng ở cả Trung ương và địa phương xin từ chức. Phần lớn số cán bộ này từ chức là do có vi phạm khuyết điểm. Dù việc họ từ chức là thể hiện sự chủ động, tuy nhiên việc từ chức sau khi đã nhận hình thức kỷ luật thì tính chất, ý nghĩa cũng khác. Chúng ta cần những cán bộ làm gương như ông Nguyễn Sự, với lời chia sẻ của ông: "Mình đã làm được một thời gian rồi, tư duy của mình không thể tạo ra những cái mới, vì thế, để tạo điều kiện cho lớp trẻ kế tục sự nghiệp của mình và sự nghiệp chung thì tốt nhất nên từ chức...".

Trên thực tế, Đảng, Nhà nước đã có các quy định pháp lý cho việc từ chức. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng "về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" xác định phải "xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ". Luật Công chức, viên chức cũng quy định những vấn đề này. Đặc biệt, ngày 3-11-2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” và ngày 8-9-2022, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Thông báo số 20-TB/TW Kết luận của Bộ Chính trị “về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”. Điểm đáng chú ý, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Có thể thấy, những quy định này đã có nội hàm rất rõ khi coi việc từ chức là vấn đề bình thường trong thực thi công vụ. Nó cũng mở đường cho những cán bộ có sai phạm, yếu kém; đồng thời tạo thuận lợi cho những cán bộ muốn từ chức vì những lý do chính đáng khác. Tuy nhiên, trên thực tế, còn một rào cản khác khiến cho cán bộ không dễ dàng từ chức, đó là nếu đã từ chức thì gần như không còn cơ hội để quay lại hệ thống công quyền. Thực tế, các quy định của Đảng không chặn đường tiến của cán bộ đã từ chức. Điểm 2 Điều 10 Quy định số 41-QĐ/TW nêu: “2. Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định”. Dù vậy, trên thực tế vẫn còn quan điểm nặng nề, định kiến khi phục chức, hay thăng chức cho một cán bộ từ chức. Dư luận dường như chưa sẵn sàng chấp nhận điều đó. Có ý kiến cho rằng, cần có một “Khoán 100”, “Khoán 10” trong việc “từ chức-phục chức”.

Như đã đề cập, nếu ai đó đã chạy chức thì rất khó để họ từ chức, mà bằng mọi cách để giữ chức. Bởi thế, cần xử lý cương quyết với tình trạng chạy chức. Cùng với thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về cán bộ nêu gương, chống chạy chức, chạy quyền thì điều rất quan trọng là thực hiện các giải pháp để ngăn chặn hành vi này. Từ thực tiễn cho thấy, Đảng phải kiên quyết siết chặt quy trình, quy định về công tác bổ nhiệm cán bộ theo hướng gắn trách nhiệm cụ thể của người đề cử cán bộ và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp cán bộ có sai phạm trong phạm vi thời gian nhất định thì người đề cử và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm cán bộ đó cũng bị xem xét xử lý kỷ luật. Cùng với đó, cần thực hiện công khai danh sách cán bộ từ quy hoạch đến đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển để quần chúng biết và cùng giám sát. Thực hiện cơ chế cạnh tranh bình đẳng để tuyển chọn những người tài giỏi, trong sạch làm lãnh đạo, quản lý. Và điều quan trọng nhất, phải ban hành được tiêu chuẩn đánh giá cán bộ hằng năm một cách công khai, minh bạch, công bố trong tập thể để giám sát. Những người bị đánh giá hạn chế về năng lực, phẩm chất, không có quy hoạch thì cũng không dễ để chạy chức.

Trở lại vấn đề gốc của người cán bộ thì từ chức cần được xem là vấn đề bình thường trong bộ máy công quyền, đúng cả về lý luận và thực tiễn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần khẳng định quan điểm xuyên suốt: “Cán bộ là công bộc của dân”; chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ... Chức tước, địa vị của cán bộ thực ra là do nhân dân ủy thác. Khi thấy mình không thể làm tốt vai trò là một công bộc thì từ chức là việc nên làm. Đó không đơn thuần là một hành động mà cần xem nó là văn hóa ứng xử của cán bộ, rất cần thiết dù trong bất cứ môi trường, công việc nào./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét