Trong thời kỳ quá độ lên Chủ
nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực. Đây vốn dĩ là một tất yếu khách quan, đã và đang đạt kết
quả quan trọng, được nhân dân ta đồng tình, ủng hộ.
Thế nhưng vẫn có ý kiến cho
rằng: “Chế độ một đảng thì không thể chống tham nhũng thành công”, “Tham
nhũng là bản chất của chế độ một đảng lãnh đạo”. Đây là luận điệu tuyên
truyền xuyên tạc, hòng hạ thấp vai trò, uy tín, phủ nhận bản chất, quyết tâm
chính trị của Đảng, phủ nhận thành quả đấu tranh phòng, chống tham ô, tham
nhũng ở nước ta, cần phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Trước hết, chúng ta thấy rằng, tham nhũng không phải do chế độ đa đảng hay
một đảng, mà là do sự tha hóa quyền lực sinh ra. Ngay trong xã hội thực hiện
chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn cứ hoành hành, thậm chí còn biểu hiện rất nguy
hiểm, tình trạng tham nhũng còn leo đến tận các nguyên thủ quốc gia.
Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc
tế (TI), một số nước theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền,
như: Cô-lôm-bi-a, Bra-xin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a,... thuộc nhóm
“nước tham nhũng nghiêm trọng”.
Ở Việt Nam, Nhà nước ta là nhà nước của
nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xét về bản chất không có cơ sở sinh ra
tham nhũng. Nhưng tại sao tham nhũng ở nước ta vẫn còn và thực sự nó đang là
thứ “giặc nội xâm”, là “kẻ thù của nhân dân”? Vì Nhà nước ta vẫn còn tàn dư của
thời trước, tham nhũng, tiêu cực luôn song hành cùng tiến trình quá độ lên Chủ
nghĩa xã hội.
Về khách quan, tham nhũng là do “vi rút” của xã hội cũ để lại và tác động
vào xã hội mới, phản ánh tình trạng quan liêu và sự tha hóa quyền lực. Thừa
nhận điều đó không có nghĩa là chúng ta “đầu hàng”, không thể khắc phục nổi
tham nhũng, nhưng nói tiêu diệt được ngay vấn nạn này, thì chúng ta lại rơi vào
không tưởng. Cần thấy rằng, ảnh hưởng của những “vi rút” đó đối với con người
và xã hội, cũng như việc khắc phục nó đến đâu lại do sức đề kháng của chế độ xã
hội mới - xã hội chủ nghĩa, do năng lực của Đảng cầm quyền, đặc biệt là đội ngũ
cán bộ trong hệ thống chính trị.
Thực tiễn có thể khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ phẩm chất, bản
lĩnh, trí tuệ và năng lực lãnh đạo chống tham nhũng hiệu quả. Đảng Cộng sản
Việt Nam luôn là đội tiền phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và
toàn thể dân tộc Việt Nam, người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách
mạng Việt Nam; nền chính trị của nước ta vẫn là nền chính trị nhất nguyên. Dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã đem lại những
quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và nhân dân lao động, đảm bảo cho họ
thực sự làm chủ cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo, bất công, áp bức, phấn đấu đạt
được “ấm no, tự do, hạnh phúc”. Bản chất cách mạng, tính tiền phong của Đảng và
năng lực lãnh đạo, tổ chức thực tiễn là nhân tố cơ bản quyết định, bảo đảm Đảng
Cộng sản Việt Nam có đủ khả năng lãnh đạo chống tham nhũng hiệu quả. Đây là vấn
đề tất yếu khách quan, xuất phát từ chính nội lực của Đảng.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan
trọng, với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, được sự đồng
lòng, giúp sức của mọi tầng lớp nhân dân và có hiệu quả, “lò nóng lên rồi thì
củi tươi vào cũng phải cháy” đang thực sự tạo niềm tin vững chắc trong nhân
dân. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhất là
những vụ án nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Như vậy, Đảng ta không chỉ có
quyết tâm chống tham nhũng mà còn có đủ năng lực chống tham nhũng hiệu quả. Kết
quả đó có sự đóng góp quan trọng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đó là sự
thật không thể bác bỏ. Vì thế, không thể xuyên tạc rằng, Đảng ta không đủ khả
năng lãnh đạo chống tham nhũng hiệu quả.
Luận điệu “Chế độ một đảng thì không thể chống tham nhũng
thành công”, “Tham nhũng là bản chất của chế độ một đảng lãnh đạo” là luận điệu sai lầm, phản động. Cả về
lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, tham nhũng gắn với cá nhân có quyền lực và
tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ có nhà nước vì nó luôn gắn với nhà nước và
quyền lực. Chỉ có cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, nhưng thiếu tu dưỡng,
rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, thoái hóa, biến chất,
thiếu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, của nhân dân mới có thể tham nhũng,
suy thoái, nếu để tình trạng này phát triển thì rất khó chống tham nhũng hiệu
quả.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc đấu tranh phòng, chống
tham nhũng ở nước ta đang diễn ra rất quyết liệt, không có vùng cấm, không kể
cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, tham nhũng vật chất hay tham nhũng quyền
lực. Những kết quả đạt được trong cuộc đấu tranh này thời gian qua đã tạo cơ
sở, nền tảng vững chắc trong xây dựng hệ thống chính trị, môi trường xã hội
trong sạch, lành mạnh, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ,
tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng trong thời
gian tới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét