Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

SỨC MẠNH CHIẾN THẮNG CỦA Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

 

76 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè, dư luận quốc tế luôn khẳng định, đánh giá cao thành công và ý nghĩa to lớn cũng như nguyên nhân, bài học kinh nghiệm quý của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã xuyên tạc, phủ nhận thành công, ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Họ cho rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công là do Việt Nam gặp “ vận may”, “ ăn may”, nên có độc lập dân tộc quá dễ dàng, không phải đổ máu, không có vai trò lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí, theo họ: khi đó thực dân Pháp rất muốn trao trả độc lập cho Việt Nam, nên Việt Nam không cần làm cách mạng cũng vẫn có được độc lập. Có ý kiến còn trắng trợn cho rằng: giá như Việt Nam cứ là thuộc địa của Pháp thì sẽ phát triển hơn! Thực chất đó là những âm mưu, thủ đoạn bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận thành công và ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám và vai trò lãnh đạo của Đảng, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sức mạnh của nhân dân cũng như sự đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

Lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu nêu trên.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân ta thoát khỏi kiếp nô lệ, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, chống Mỹ cứu nước thành công, thống nhất non sông, cả dân tộc cùng chung sức đồng lòng dựng xây chủ nghĩa xã hội. Đánh giá về ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “ Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta” .

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa thời đại rất sâu sắc. Cách mạng Tháng Tám khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của học thuyết Mác - Lênin trong giải quyết vấn đề dân tộc và thuộc địa. Cách mạng Việt Nam cũng góp phần thiết thực vào việc tăng cường sức mạnh của phong trào cách mạng quốc tế, trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, là tấm gương sáng ngời để các dân tộc, các quốc gia bị áp bức, đô hộ trên thế giới học tập noi theo, trong đó đặc biệt là hai nước láng giềng Lào, Campuchia. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “ Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới. Cách mạng Tháng Tám có ảnh hưởng trực tiếp và rất to lớn đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân hai nước Miên, Lào cùng nổi lên chống đế quốc và đòi độc lập”.

Về nguyên nhân thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “ Suốt trong 80 năm nước ta bị Pháp chiếm, nhân dân ta từ Nam đến Bắc đã nhiều lần nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Nhưng vì bọn vua quan hèn mạt, câu kết với địch, phản nước hại dân, cho nên các cuộc khởi nghĩa đều thất bại. Cách mạng Nga thành công đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, dạy cho họ cách tổ chức, đấu tranh và giành thắng lợi. Nhờ vậy mà ta có Đảng tiên phong, có Mặt trận Dân tộc thống nhất, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do, làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi”.

Sau những năm dài bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người khẳng định: “ Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Người chỉ ra con đường của cách mạng Việt Nam chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản: “ Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Người cũng đồng thời khẳng định cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo và rèn luyện Đảng thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình. Ngay từ khi ra đời, ngày 3 - 2 - 1930, Đảng đã có đường lối đúng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và thực tế cách mạng Việt Nam. Chánh cương vắn tắt của Đảng năm 1930 xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là: “ Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập”. Nhân dân Việt Nam đã tin tưởng vào Đảng, đồng lòng đi theo Đảng. Đảng cũng đã sớm tập hợp, rèn luyện, xây dựng lực lượng cách mạng của Đảng, của quần chúng nhân dân qua thực tiễn đấu tranh của các cao trào cách mạng lớn: Phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ 1936 - 1939; Phong trào cách mạng kháng Nhật cứu nước 1939 - 1945. Qua các cao trào cách mạng nhiều cán bộ, đảng viên và người dân sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung. Chỉ tính từ năm 1930 đến năm 1945, đã có 14 đồng chí cán bộ cấp Trung ương của Đảng, trong đó có 4 đồng chí Tổng Bí thư ( Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ và Lê Hồng Phong) bị kẻ thù giết hại hoặc tra tấn đến chết. Nhưng chính sự hy sinh ấy đã giúp cho cách mạng nước ta càng thêm phát triển mạnh mẽ. Các cao trào cách mạng giúp Đảng và nhân dân có thêm sự tin tưởng , kinh nghiệm, bài học quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, rèn luyện phát triển lực lượng cách mạng ngày càng mạnh, càng tốt hơn. Đảng chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, cử nhiều cán bộ, đảng viên đi vô sản hóa; xây dựng các tổ chức quần chúng, đoàn thể, phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, lực lượng quần chúng cách mạng của Đảng trên phạm vi toàn quốc. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng thành lập Mặt trận Việt Minh ( ra đời ngày 19 - 5 -1941) và đã lãnh đạo hoạt động tích cực để tập hợp lực lượng toàn dân tham gia cách mạng. Ngày 22 - 12 - 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ( tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay) ra đời theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người viết: “ Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt các đối vũ trang của địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên…Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, đi khắp đất nước Việt Nam”. Ngày 15 - 4 - 1945 đã diễn ra Hội nghị Quân sự Bắc kỳ, quyết định những nội dung quan trọng về bố trí lực lượng quân sự trên phạm vi toàn quốc tiến tới tổng khởi nghĩa. Từ ngày 12 - 8 - 1945, các đơn vị giải phóng quân của Việt Minh lần lượt tấn công các đồn Nhật ở nhiều địa phương như : Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang…hỗ trợ nhân dân giành chính quyền thắng lợi. Đến ngày 16 - 8 - 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy một đơn vị Giải phóng quân của Việt Minh kéo về bao vây, tấn công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên.

Cùng với việc xây dựng, rèn luyện, phát triển lực lượng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta còn bình tĩnh, sáng suốt, tài tình trong nhận định, đánh giá tình hình, chớp thời cơ cách mạng. Cũng cần phải thấy rằng với những chiến thắng của Hồng quân Liên Xô, của quân đội đồng minh và những thắng lợi trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc của lực lượng dân chủ trên thế giới, tình hình của thực dân Pháp và phát xít Nhật…đã tạo ra thuận lợi khách quan cho cách mạng Việt Nam. Nhưng quyết định nhất vẫn là Đảng đã nắm bắt đúng tình hình, có chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời, xây dựng phát triển lực lượng phù hợp tiến tới chớp thời cơ, kịp thời lãnh đạo toàn dân đoàn kết vùng lên tổng khởi nghĩa. Cuối năm 1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhận định: “ Bây giờ tình hình phát triển cách mạng hòa bình đã qua, nhưng thời kỳ khởi nghĩa toàn dân chưa đến. Cho nên nếu chỉ hoạt động trong vòng chính trị thì không đủ để đẩy phong trào tiến tới, nhưng nếu phát động khởi nghĩa ngay thì sẽ bị quân địch làm cho nguy khốn. Đã đến lúc một cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, nhưng lúc này chính trị vẫn trọng hơn quân sự, cần phải tiến hành hình thức đấu tranh thích hợp thì mới có thể đưa cách mạng đến thành công”. Chỉ thị “ Nhật , Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” là văn kiện lịch sử của Đảng ra đời vào ngày 9 - 3 - 1945. Chỉ thị nêu rõ: “ Dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc khởi nghĩa của ta, vì như thế lại ỷ vào người và tự bó tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện. Nếu cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần thì khi ấy quân đồng minh chưa đổ bộ vào Đông Dương thì cuộc tổng khởi nghĩa của ta có thể bùng nổ thắng lợi”. Nhận định, dự kiến này gần đúng với sự thật diễn ra trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ Chỉ thị “ Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, thay đổi khẩu hiệu “ Đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” thành “ Đánh đuổi phát xít Nhật” và kêu gọi việc phải thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Chỉ thị kịp thời, đúng đắn này của Đảng đã quyết định trực tiếp thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Khi thời cơ đến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng ngay lập tức chỉ thị rất kiên quyết: “ Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Tháng 8 - 1945, trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Người viết: “ Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, của Đảng, bằng sức mạnh vô địch của cả dân tộc vùng đứng lên, chớp thời cơ, đem sức mình giải phóng cho mình nên chỉ trong vòng hai tuần lễ hơn 5000 đảng viên của Đảng đã cùng 20 triệu người dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi trên phạm vi toàn quốc.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2 - 9 - 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Nhưng ngay sau đó, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa non trẻ đã phải đứng trước mối đe dọa mới: ngày 23 - 9 - 1945, Thực dân Pháp nổ súng tấn công Nam bộ, bắt đầu dã tâm quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào cuộc chiến đấu 9 năm trường kỳ kháng chiến bảo vệ chính quyền cách mạng. Đường lối kháng chiến đúng đắn, phù hợp, với ý chí quyết tâm và sự chiến đấu hy sinh to lớn của cả dân tộc mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã chiến thắng thực dân Pháp xâm lược. Đây hẳn là cái tát vào mặt những kẻ ảo tưởng mù quáng cho rằng có thể trông chờ vào “lòng tốt”, vào “ tương lai đẹp” mà thực dân Pháp “có thể” sẽ dành cho Việt Nam!

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại cho dân tộc Việt Nam rất nhiều những giá trị trường tồn, những bài học sâu sắc, trong đó đặc biệt là giá trị và bài học về sức mạnh của ý Đảng, lòng dân. Ngày nay, sức mạnh của ý Đảng, lòng dân đã và đang tiếp tục đưa đất nước ta đến những thành công to lớn và rực rỡ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét