Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG BÚA LIỀM ĐỂ CHIA RẼ MỐI QUAN HỆ MẬT THIẾT ĐẢNG – DÂN

 

Ngày 24-25/7/2021, Đỗ Ngà đã tung lên mạng xã hội bài viết “Búa Liềm – Một loại hung khí đáng sợ” để xuyên tạc ý nghĩa biểu tượng lá cờ Đảng. Thông qua đó, xuyên tạc về mối liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

1. Có thể nói, búa liềm là một biểu tượng thiêng liêng của chủ nghĩa cộng sản, của những người cộng sản. Hình tượng một búa và một liềm (hai công cụ tượng trưng cho hai giai cấp lao động công nhân và nông dân) được đặt chéo nhau, tạo sự thống nhất và gắn bó chặt chẽ trong cuộc đấu tranh để giải phóng giai cấp, giải phóng con người dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Theo các nguồn sử liệu, thì biểu tượng búa liềm xuất hiện trong thời kỳ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Họa sĩ Evgheny Ivanovich Kamzolkin (1885-1957) đã sáng tác biểu tượng liên minh công – nông này khi trang trí quảng trường Serpukhov để chuẩn bị cho cuộc mít tinh tuần hành kỷ niệm ngày 1/5/1918.

Biểu tượng búa liềm được chính phủ nước Nga Xôviết thông qua bằng một sắc lệnh về lá cờ của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga đã được ký ngày 14/4/1918. Biểu tượng này được khắc trên con dấu của Hội đồng Dân ủy nước Nga Xôviết tháng 7/1918. Ngày 30/12/1922, Đại hội các Xôviết toàn quốc đã thông qua tuyên bố về sự ra đời của Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (Liên Xô) và cờ đỏ trở thành quốc kỳ của quốc gia Liên Xô…

Màu đỏ cách mạng, biểu tượng búa liềm tượng trưng cho khối liên minh công – nông trên quốc kỳ Liên Xô (có thêm ngôi sao vàng 5 cánh) sau đó đã trở thành một trong những biểu tượng chủ yếu của phong trào cộng sản và được nhiều đảng cộng sản sử dụng.

Ở Việt Nam, là một chính Đảng Mácxít Lêninnit kiểu mới được thành lập dựa trên sự kết hợp của chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào đấu tranh yêu nước, ngay từ khi mới ra đời, Cộng sản Việt Nam đã ghi rõ trong Sách lược vắn tắt: “1. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. 2. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến ” và “5. Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp”[1].

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam đã có người cầm lái. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cao trào cách mạng rộng lớn trong những năm 1930 – 1931 bùng nổ, mở đầu là các phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân trên mọi miền đất nước. Nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, làn sóng đấu tranh của nhân dân cả nước đã dấy lên mạnh mẽ.

Ở Bắc Kỳ, công nhân khu Mỏ Hòn Gai bãi công, biểu tình và lần đầu tiên ở vùng mỏ, lá cờ đỏ búa liềm của Đảng được treo trên đỉnh núi Bài Thơ. Hiện nay, Bảo tàng Xôviết Nghệ Tĩnh đang trưng bày và lưu giữ lá cờ Đảng trong phong trào cách mạng 1930-1931; trong đó, có các lá cờ đỏ búa liềm sử dụng trong các cuộc biểu tình của nhân dân các huyện Nghi Xuân, Hương Khê… ngày 1/5/1930.

Ở Trung Kỳ, nông dân các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận… đã nổi dậy đấu tranh và ngày 1/5/1930, lần đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện ở Quảng Nam. Cùng với đó, tại thị xã Hội An và các vùng nông thôn huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn… đều có rải truyền đơn và treo cờ đỏ búa liềm của Đảng.

Ở Nam Kỳ, gần 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Chợ Lớn) đã biểu tình đến quận lỵ đòi giảm thuế, bỏ sưu…; và đã bị đàn áp, nhưng đoàn biểu tình vẫn không lùi bước…

2. Thực tế là, sự kết hợp chặt chẽ giữa phong trào bãi công của công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, ở các vùng đô thị và phong trào biểu tình của nông dân ở các vùng nông thôn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản những năm 1930-1931đã hình thành khối liên minh đấu tranh của giai cấp công nhân và nông dân, làm cho đế quốc Pháp bị động và lúng túng.

Thực tế là, máu của những người công nhân và nông dân Việt Nam đã đổ trong dịp kỷ niệm 1/5/1930, song sự đàn áp dã man của kẻ thù không dập tắt được phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân cả nước và tinh thần đoàn kết của 2 giai cấp công – nông trong cuộc đấu tranh cách mạng này là minh chứng sinh động của biểu tượng búa liềm trên lá cờ đỏ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy là, có đường lối đúng đắn, sách lược phù hợp, cho nên 15 năm sau kể từ khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân (trên nền tảng vững chắc là khối liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức) làm nên kỳ tích vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Đó là “đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”[2]. Thắng lợi vĩ đại đó không chỉ làm thay đổi vận mệnh dân tộc, thay đổi thân phận của người dân Việt Nam mà còn mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho đất nước…

Vì lịch sử là không thể thay đổi, càng không thể bôi đen và bịa đặt, cho nên, lá cờ Đảng có biểu tượng là búa – liềm và biểu tượng này tượng trưng/“đại diện cho giai cấp Công – Nông” nói chung, cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người là không thể phủ nhận. Nó cũng cho thấy, sự xuyên tạc của Đỗ Ngà rằng, “thực ra tầng lớp công nhân và nông dân là tầng lớp dễ bị lừa nhất. Trước đây, 2 tầng lớp đó thuộc loại ít học dễ dụ mà lực lượng lại đông nên rất dễ bị xúi dục làm bậy”/ý nói 2 giai cấp đã đoàn kết trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng để giành lại độc lập dân tộc là hoàn toàn không có căn cứ; là sự suy diễn cá nhân, không thể chấp nhận được.

Những người cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam không phải và không bao giờ cho rằng giai cấp công nhân và nông dân “thuộc loại ít học dễ dụ” và “chỉ muốn lợi dụng sự ngu dốt của họ”, mà chính là thấu hiểu sâu sắc rằng: giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam phải đặt dưới/chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiền phong của giai cấp và dân tộc thì mới giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mình và giai cấp mình.

Đồng thời, lịch sử cách mạng Việt Nam cũng cho thấy, sau khi nước nhà giành được dân tộc, giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam tiếp tục đóng góp sức mình trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm; trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người công nhân và nông dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, nhất là sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Những đổi thay rõ rệt về mọi mặt của giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay đã chứng minh những điều Đỗ Ngà nhận định “khi “cách mạng thành công” thì họ tìm cách dìm nhân dân trong bể ngu dốt để ĐCS dễ bề cai trị. Trong một rừng dân mê muội ấy, hễ ai thoát ra và tố cáo cái gian manh của ĐCS, thì CS ra tay trừng trị. Lúc này búa liềm của CS nó là biểu tượng cho một thứ hung khí, loại hung khí chuyên tấn công vào người công chính” chỉ là góc nhìn đầy hận thù, hoàn toàn bịa đặt!.

Vĩnh viễn có thể khẳng định rằng, biểu tượng búa liềm của Đảng Cộng sản/trên lá cờ Đảng luôn là tượng trưng/đại diện cho mối liên minh công – nông bền vững. Mọi quyết sách của Đảng Cộng sản Việt Nam đều được xây dựng và thực thi trên tinh thần xuất phát vì người dân, nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, để người dân được thụ hưởng – một trong những điểm mới quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chứ không phải “Búa là nắm đấm sắt của ĐCS, liềm công cụ dùng để gặt hái túi tiền dân. Sưu cao thuế nặng, thuế phí nặng nề một loại lưỡi liềm của ĐCS” như Đỗ Ngà vu khống!.

Đặc biệt, giữa đại dịch Covid -19 bùng phát nhanh và hệ lụy nguy hiểm từ biến thể Delta, có thể thấy những tháng ngày qua, mọi chủ trương, chính sách của Đảng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống chính trị đều tập trung ưu tiên cho vấn đề trước mắt là phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn tính mạng và đời sống của nhân dân. Có thể vẫn còn những hạn chế phải tiếp tục khắc phục và điều chỉnh, song có thể nhấn mạnh rằng, mọi nguồn lực đều đã được ưu tiên cho “vùng dịch” ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; trong đó có vaccine để tập trung tiêm phòng cho các tầng lớp nhân dân.

Quyết sách ưu tiên tiêm vaccine cho tuyến đầu; cho công nhân các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam…) và đang tiếp tục tiêm “phổ rộng” cho mọi người dân trên cả nước, để tạo miễn dịch cộng đồng là minh chứng cho thấy nhận định: “Không như tầng lớp công-nông dùng búa liềm làm công cụ lao động, búa và liềm trong tay CS nó trở thành một loại hung khí đáng sợ. Hung khí đó luôn chực chờ để bổ vào hàng triệu người dân thấp cổ bé họng” của Đỗ Ngà là vô cùng phản động!

Từ những luận điệu xuyên tạc trong bài viết này, có thể thấy toàn bộ sự suy diễn và quy kết của Đỗ Ngà về biểu tượng búa liềm là bịa đặt để nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Dân, cho nên cần phải được nhận diện đúng và lên án!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét