Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

CẢNH GIÁC TRƯỚC HÀNH ĐỘNG XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 

  Dịch bệnh covid-19 đang là lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, đặc biệt trong thời gian gần đây số ca nhiễm covid-19 trong cả nước gia tăng làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong khi cả hệ thống chính trị cùng toàn dân đã và đang ra sức nỗ lực chống dịch thì một số tổ chức, đối tượng phản động, cơ hội chính trị như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, Nhật ký yêu nước; các đài VOA, RFA…tiếp tục lợi dụng đại dịch covid-19 ráo riết đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật về công cuộc phòng, chống dịch covid-19 của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chúng thêu dệt những thông tin như: “Việt Nam đối diện khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn diện”; “Chỉ biết phong tỏa mặc dân sống chết ra sao”; “Việt Nam, cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu”; chúng quy chụp “Cách chống dịch của Đảng làm covid-19 lây lan ngày càng nhiều”, “Không hỗ trợ cứu đói cho dân mà còn tận thu vơ vét tiền của dân”... Hàng loạt trang mạng xấu độc đưa ra những hình ảnh sai sự thật về số người tử vong, đưa hình ảnh cắt ghép từ nước ngoài về hàng loạt bệnh nhân covid-19 tử vong để gieo rắc tâm lý hoang mang, khủng hoảng trong xã hội. 

Bên cạnh đó, chúng còn lợi dụng cuộc sống của người lao động nghèo là những đối tượng dễ bị tổn thương trong giai đoạn giãn cách để tung tin bịa đặt, làm giảm sự chung tay, đồng lòng của người dân với các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà chính quyền đang thực hiện. Thâm hiểm hơn, chúng còn tung ra những video tin tức hay phỏng vấn ý kiến của những người lao động nghèo chưa được nhận hỗ trợ từ chính quyền để bóp méo, vu khống rằng “không thấy Đảng, Nhà nước giúp dân”, “người nghèo không được hỗ trợ”, “chỉ có dân giúp dân, không thấy chính quyền đâu”… Chúng là bác bỏ, phủ nhận các chủ trương, chính sách chống dịch của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, cố tình bôi đen các lực lượng đang ngày đêm quên mình chống dịch.

Trước những thông tin sai lệch như trên không chỉ người dân trong nước mà nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng như các chuyên gia quốc tế đã phản đối những quan điểm méo mó, sai lệch trên và bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách, quy định chống dịch của Việt Nam.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, trở ngại do dịch bệnh gây ra, cũng đã có một số ít người dân không tỉnh táo, mất bình tĩnh, rơi vào cái bẫy của các đối tượng phản động, vô tình trở thành “con bài” trong các hoạt động chống phá của chúng. Bên cạnh đó, một số cá nhân trong nước với động cơ vụ lợi đã đưa tin thất thiệt, nhiều đối tượng trên được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Có thể thấy rằng công tác thông tin, truyền thông luôn có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội. Nó tác động đến nhận thức của con người, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của con người. Thông tin, truyền thông có tính chất hai mặt của nó, nếu sử dụng đúng sẽ có hiệu quả tích cực trong công cuộc chống dịch covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Nhưng nếu sử dụng sai nó sẽ là trở lực rất lớn, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tổn hại đến sự phát triển của đất nước. 

          Luôn cảnh giác trước những thông tin sai sự thật về dịch bệnh covid-19

Vì thế công tác thông tin, truyền thông luôn phải đi trước một bước, tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, đầy đủ, chính xác mọi chủ trương, chính sách, chỉ thị, quy định về phòng, chống dịch covid-19 đến từng cấp, ngành và nhân dân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về những khó khăn, diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19, đồng thời vạch trần âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, đoàn kết, quyết tâm cao nhất với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Luôn cảnh giác trước các thông tin tuyên truyền sai sự thật về tình hình covid-19. Ngoài ý thức chấp hành các quy định của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch, sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn về việc: Tránh tụ tập nơi đông người; hạn chế tối đa ra ngoài; luôn luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất là 2m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn; thường xuyên vệ sinh nhà cửa; thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe theo đúng quy định của Bộ Y tế … thì mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thông tin bịa đặt, sai sự thật về tình hình dịch bệnh covid-19. Kịp thời báo với lực lượng Công an khi phát hiện thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh đăng tải trên không gian mạng.

Là công dân Việt Nam chúng ta cần phải tỉnh táo, luôn lạc quan, tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Chỉ có tinh thần đoàn kết đồng lòng, chúng ta mới không bị dẫn dắt bởi kẻ xấu, vững vàng trước mọi khó khăn và chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 này. Hãy tiếp nhận các thông tin một cách khoa học, có chọn lọc, việc tiếp cận nguồn thông tin ở những trang không chính thống, thiếu cơ sở khoa học có thể gây nên tình trạng “ngộ nhận”, hiểu sai lệch về tình hình dịch covid-19. Mỗi người dân khi tiếp cận các thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét