Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

KIỂM CHỨNG THÔNG TIN (FACTCHECK)

 

Những năm gần đây, Tin giả đã và đang lan truyền ngày càng rộng, với những phương thức khó nắm bắt trên cả truyền thông chính thống và mạng xã hội, gây hậu quả khôn lường về kinh tế và chia rẽ xã hội sâu sắc.

Tin giả (tiếng Anh: Fake news), còn được gọi là tin rác hoặc tin tức giả mạo, là một loại hình báo chí hoặc tuyên truyền bao gồm các thông tin cố ý hoặc trò lừa bịp lan truyền qua phương tiện truyền thông truyền thống hoặc phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến. Tin giả không chỉ liên quan tới lĩnh vực chính trị mà cả kinh doanh, các vấn đề xã hội. Sự ảnh hưởng của tin giả là vô cùng nguy hại. Đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 đã trở thành mảnh đất màu mỡ để tin giả bùng phát với quy mô chưa từng thấy trên thế giới và cả ở Việt Nam.

Tin giả thường xuất hiện trên các nền tảng miễn phí nên thu hút rất nhiều người tiếp cận. Khi một bộ phận công chúng tiếp nhận những thông tin sai sự thật, họ đã vội tin và đưa ra phán xét tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị quốc gia và đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Năm 2019, UNESCO xuất bản cuốn sổ tay giáo dục và đào tạo báo chí Journalism, Fake News & Disinformation (Báo chí, tin giả và tin xuyên tạc). Cuốn sổ tay này bước đầu đã giúp phân loại các thông tin gồm thông tin báo chí, tin sai, tin giả, tin xuyên tạc và tin kém chất lượng, tin gây hại.

+ Thông tin báo chí: Là thông tin chính xác, độc lập, công bằng, nhân văn, bảo vệ nguồn tin, minh bạch, có trách nhiệm giải trình. Những thông tin trong đó có thể xác minh được, được đăng tải vì lợi ích cộng đồng. Thông tin không đáp ứng những tiêu chuẩn này thì không xứng đáng được gọi là "tin" hay "báo chí".

+ Báo chí kém chất lượng (sub-standard journalism): Là các ấn phẩm không đáp ứng được những tiêu chuẩn của báo chí như trên.

+ Tin giả (fake news): Là thông tin được cố tình ngụy tạo và xuất bản nhằm lừa dối hay khiến người khác hiểu sai, khiến họ tin vào những thông tin sai hoặc nghi ngờ những thông tin đã được kiểm chứng. Tin giả được lan truyền bằng công nghệ với quy mô lớn để tiếp cận cộng đồng lớn.

+ Tin sai lạc (misinformation): Là nội dung tin tức liên kết sai, gây hiểu lầm. Loại tin này sai sự thật, nhưng người tạo ra không phải cố tình gây hại.

+ Tin xuyên tạc (disinformation): Là tin tức với bối cảnh sai, nội dung mạo danh, ngụy tạo hoặc bịa đặt. Loại tin này sai và được cố tình tạo ra để gây hại tới cá nhân, tổ chức xã hội hay một quốc gia.

+ Tin nguy hại (mal-information): Là thông tin rò rỉ, thông tin mang tính quấy rối hoặc có ngôn ngữ kích động thù hận. Loại tin này dựa trên sự thật nhưng bị bóp méo, có ý đồ nhằm gây hại cho cá nhân, tổ chức xã hội hay quốc gia.

Để không bị truyền thông FAKE dẫn dắt, bên cạnh việc các cơ quan công nghệ làm tốt công tác quản trị mạng, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm tự lọc những gì mình đọc và chia sẻ, kiểm tra, xác minh, đặt câu hỏi về động cơ của người viết, thay vì chỉ đọc những tiêu đề và sau đó chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Ngoài ý thức của mỗi người dân và trách nhiệm chính quyền ra, thiết nghĩ Báo chí chính thống đóng vai trò chủ động trong cuộc chiến chống tin giả này. Trước đây, người ta cho rằng nhiệm vụ của báo chí chỉ là đưa thông tin trung thực, công bằng và cân bằng, nhưng giờ đây báo chí cũng phải tham gia kiểm chứng thông tin và bóc trần những thông tin sai lệnh, ngụy tạo.

Nhằm tạo niềm tin cho độc giả cũng như góp phần ổn định an ninh chính trị, giữ vững niềm tin cho Nhân dân, Báo Nhân Dân - đại diện cho cơ quan ngôn luận của Đảng đã chính thức mở chuyên mục “Kiểm chứng thông tin” (Factcheck)./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét