Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn sách nổi tiếng có nhan đề “Sửa đổi lối làm việc”.
Bác nêu khá nhiều khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, trong đó kịch liệt lên án
“bệnh xu nịnh, a dua”. Bác chỉ rõ: Người mắc căn bệnh đó là do kém tính Đảng,
mắc phải bệnh đó là hỏng việc lớn và chính Người thể hiện quyết tâm xuyên suốt,
quyết liệt nêu gương thực hiện đấu tranh, đẩy lùi "bệnh xu nịnh” vốn tiềm
tàng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Thực
tế cho thấy, việc nịnh đã biến tướng đa dạng và phát triển với nhiều hình hài,
phương thức. Không chỉ cấp dưới nịnh cấp trên, nhân viên nịnh thủ trưởng, quần
chúng nịnh đảng viên... mà nay còn có hiện tượng trên nịnh dưới, nhất là vào các
dịp bỏ phiếu tín nhiệm, đánh giá cán bộ, bình bầu thi đua, chuẩn bị đại hội,
bầu bán nhân sự ở các cấp, các ngành... Không chỉ cấp dưới trực tiếp nịnh thủ
trưởng cấp trên mà nhân viên còn nịnh gián tiếp vợ, con thủ trưởng; không chỉ
nịnh bằng lời lẽ ngon ngọt mà còn thể hiện sự nịnh một cách tinh vi, thông qua
nhiều kênh, nhiều phương tiện vật chất, cơ chế, chính sách...
Không
chỉ vậy, nịnh còn tác động trực tiếp đến chất lượng công tác cán bộ trong Đảng.
Một số người được nịnh vì ưa lời ngon, tiếng ngọt, say sưa với cảm giác được
“làm bề trên” nên sinh ra xao lòng, thiếu tỉnh táo, mất bản lĩnh, không đánh
giá đúng thực chất cán bộ, thiên vị cho kẻ luồn cúi, không trọng dụng cán bộ
tốt mà lại tạo điều kiện cho người xấu lấn lướt, lộng quyền, thăng tiến. Hơn
thế, người xu nịnh và cán bộ thích nịnh mặc nhiên trở thành “cặp bài trùng” có
chung lợi ích nên tất yếu dẫn đến phe cánh, cục bộ, gây mất đoàn kết và hình
thành lợi ích nhóm... Đó là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”, là môi trường thuận lợi cho việc phát sinh ung nhọt, nảy nở
tiêu cực, tham nhũng và những biểu hiện tha hóa, biến chất ở cán bộ, đảng viên.
Muốn
loại bỏ hoàn toàn "căn bệnh xu nịnh”, giải pháp tiên quyết hiện nay phải
bắt đầu từ việc phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt các
cấp. Nếu người đứng đầu thực sự liêm chính, không thích xu nịnh thì cấp dưới
nhất định sẽ không dám giở trò “mật ngọt chết ruồi”. Người lãnh đạo phải tỉnh
táo, biết đánh giá bằng kiến thức, kinh nghiệm và lương tâm đạo đức để xem ai
nịnh bợ, ai khen thật lòng thông qua cách thức thể hiện của họ. Khi cấp trên
làm được như vậy thì tất yếu cấp dưới sẽ phải giữ gìn sự tự trọng và phép tôn
nghiêm kỷ luật; tự giác trui rèn phẩm chất, năng lực, lấy đó làm thước đo nhân
cách và phương thức thăng tiến duy nhất, thay vì phải xu nịnh nhiễu nhương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét