Với tinh thần thẳng thắn, quyết liệt, không khoan
nhượng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” Đảng ta đã đẩy mạnh công tác đấu
tranh phòng, chống, tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng,
chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận
cán bộ đảng viên của Đảng nên nhận được đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ,
đảng viên và quần chúng nhân dân. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những tiếng nói lạc
lõng cất lên nhằm làm sai lệch vấn đề, lái dư luận với mục đích xấu. Do đó,
toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nhận diện đúng những âm mưu, thủ đoạn
xuyên tạc trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Từ đầu Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, đã có gần
1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái. Trong đó,
hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi
hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Theo báo cáo tại phiên họp ngày 18/11/2019,
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho biết: Các cơ quan tiến
hành tố tụng và cơ quan chức năng đã xử lý dứt điểm 13 vụ án, 24 vụ việc; khởi
tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 7 vụ án; kết thúc điều tra 21 vụ án/127 bị
can; ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án /98 bị can; xét xử sơ thẩm 12 vụ án/41
bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/156 bị cáo; đã tạm giữ, kê biên tài sản,
phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng.
Nhất là, đã tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án tham
nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, như: Vụ án
“Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; vụ án
“Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; vụ
án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại
Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành
công vụ”…
Như vậy, trong công tác phòng chống tham nhũng hiện
nay, không có vị trí nào, khu vực nào an toàn, cũng không còn khái niệm “hạ
cánh an toàn”. Điều này được nêu rõ trong Văn bản số 04-HD/UBKTTW hướng dẫn
thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ
luật đảng viên vi phạm. Cũng tại phiên họp ngày 18/11/2019, Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham
nhũng nhấn mạnh: “Đạt được những kết quả nêu trên là do Ban Chỉ đạo, Thường
trực Ban Chỉ đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng đã có quyết
tâm lớn, đồng thuận cao, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, có cách làm khoa học,
bài bản, nền nếp.
Có thể nói, hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang ngày càng quyết liệt, đẩy mạnh toàn diện ở tất cả các cấp, các ngành, làm nức lòng người dân, khiến bạn bè quốc tế quan tâm, nể phục. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của người dân với Đảng.
Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng hiện nay, không phải là không có những khó khăn, có sự chống đối quyết
liệt. Họ là ai? Vì sao họ lại chống đối? Bởi vì lợi ích của họ là quyền lợi của
một nhóm người nên đối lập với lợi ích của Đảng, của đất nước và đại đa số nhân
dân. Trên không gian mạng, họ cắt ghép, tuyên truyền và cho rằng “tham nhũng
tồn tại ở Việt Nam vì bản chất thể chế không thay đổi được, tham nhũng là bản
chất cố hữu của Việt Nam”. Nhiều ý kiến sai trái rất nguy hiểm, cho rằng, căn
nguyên tạo ra tham nhũng là do một đảng lãnh đạo, đảng đứng trên pháp luật. Vì
thế, phải thực hiện đa đảng để không còn hoặc là hạn chế tham nhũng. Thực tế,
họ muốn lợi dụng việc phòng chống tham nhũng của toàn Đảng và toàn quân, toàn
dân ta để xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng ra khỏi đời sống xã hội, đồng thời, cổ
súy cho tham nhũng, lợi ích nhóm phát triển.
Vấn đề phòng, chống tham nhũng là một vấn đề sống còn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, vì lợi ích của Đảng, của đất nước và của mỗi người dân. Bởi vậy, đây là một “mặt trận” không kém phần cam go, quyết liệt, thậm chí, phải đổi bằng mạng sống vì sự chống đối “vô hình” của những người đi ngược lại lợi ích chung của Đảng và đất nước.
Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện thắng lợi cuộc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, nếu luôn giữ vững quyết tâm cao trong toàn Đảng,
toàn dân và toàn quân. Mỗi người, mỗi tổ chức phải nhận thức phòng, chống tham
nhũng như cuộc chiến chống giặc ngoại xâm để kiên quyết phòng, chống với tâm
thế tỉnh táo, không cả tin; không riêng trong Đảng mà cần sự vào cuộc quyết
liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.
Phòng chống tham nhũng bằng cả cơ chế, chính sách, bằng cả hệ thống kiểm soát
quyền lực... Như thế, tham nhũng, lợi ích nhóm không những sẽ bị đẩy lùi mà sẽ
không còn đất để tồn tại./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét