Tháng 10-1947, trong lúc cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất thì
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó có
một chương bàn về Tư cách và đạo đức cách mạng. Mở đầu chương này, Người nêu cụ
thể 12 điều thể hiện tư cách của một đảng chân chính cách mạng:
“Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó
phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào
sung sướng; Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng
thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau; Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn
luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở
trong nước và ở địa phương; Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những
khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không; Phải luôn luôn xem xét lại tất cả
công tác của Đảng.
Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về
phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy
bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc
và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không
lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng.
Chẳng những không nâng cao được dân chúng,
mà cũng không biết ý kiến của dân chúng; Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững
tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt
bát; Nếu không vậy thì không biết nắm vững các cách thức tranh đấu và các cách
thức tổ chức, không biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của
dân chúng; Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình.
Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự
sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên; Đảng phải chọn lựa
những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên
lãnh đạo; Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài; Đảng phải
giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất
trí, hành động phải nhất trí.
Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên
về nhiệm vụ của họ đối với Đảng; Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết
và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị
quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của
nhân dân đối với Đảng”.
Không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng
Để làm tròn nhiệm vụ vinh dự và cao quý này, Chủ tịch Hồ
Chí Minh chỉ ra rằng người đảng viên phải rèn luyện và thực hành 5 điểm:
nhân-nghĩa-trí-dũng-liêm:
NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp
đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc
có hại đến Đảng, đến nhân dân, vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người,
hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ,
không sợ oai quyền.
NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không
làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng, ngoài lợi ích của Đảng, không có
lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất cứ to nhỏ, đều ra
sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ
người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng đúng đắn.
TRÍ là vì không có việc tư túi nó làm mù
quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương
hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh
việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cân nhắc người tốt, đề phòng người gian.
DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc là phải có gan làm.
Thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có
gan chống lại sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, có gan hy sinh
cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc...
LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền
tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh
chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ là ham học, ham làm, ham tiến
bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét