Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Tiếp tục quán triệt Quy định 205/QĐ-TW; thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng nhiệm kỳ 2020- 2025



Ngày 23 tháng 9 năm 2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban gành Quy đinh 205/QĐ-TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này tổ chức quán triệt đến chi bộ và các tổ chức chính trị theo quy định. Sau hơn 1 quý quán triệt, triển khai tích cực, đại đa số cán bộ, đảng viên đều tán thành, nhận thức đúng những nội dung cơ bản của quy định trên. Tuy nhiên, cũng có không ít cán bộ, đảng viên cho rằng đó là những vấn đề cũ, “biết rồi- nói mãi”. Đó là nhận thức sai lầm, chưa đầy đủ, sâu sắc- ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quán triệt, thực hiện quy định trên, nhất là trước thềm Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Do đó, cần làm rõ những điểm mới trong chống chạy chức, chạy quyền và thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng là vấn đề cần thiết, mang tính cấp thiết hiện nay.
Trong thời điểm các cấp ủy triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội XIII của Đảng, việc ban hành và thực hiện quy định này càng cần thiết đối với công tác nhân sự của nhiệm kỳ mới, bảo đảm cho việc lựa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một văn bản riêng về lĩnh vực này. Qua quán triệt, chúng ta nhận thấy quy định có những nội dung mới cụ thể sau:
Đầu tiên là cách tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực theo các chủ thểQuy định nêu 6 nhóm chủ thể là các tập thể, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ để gắn trách nhiệm; nêu những việc phải làm, không được làm đối với từng nhóm chủ thể này. Chẳng hạn với chủ thể là cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo thì quy định nêu rõ phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai trong từng khâu về công tác cán bộ...; dành thời gian thỏa đáng để tập thể thảo luận, biểu quyết thật sự khách quan, dân chủ; không được thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình.
Thứ hai là quy định về hành vi, nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi nàyTrong một số văn bản của Đảng đã nêu vấn đề này nhưng chưa quy định cụ thể và chưa nhận diện rõ hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay là như thế nào. Việc chỉ rõ như trong quy định làm cơ sở cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý và giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể căn cứ vào đó để phát hiện, tố giác, phản ánh.
Thứ ba, bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm. Bộ Chính trị đã có quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Ngoài hình thức xử lý theo quy định 102 này, người nào chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì còn nhận thêm chế tài bổ sung là đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn tương ứng 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; đưa, nhận hối lộ hoặc vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ tư, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh tính tự giácĐơn cử, những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ phải tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo quản lý khi có người thân là người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực hiện quy trình công tác cán bộ. Quy định này giúp tránh trường hợp bố, mẹ nhận xét con, vợ nhận xét chồng... sẽ không khách quan.
Thứ năm, quy định có nội dung nhằm đảm bảo tính khách quan cho những người thực thi nhiệm vụ, đồng thời ngăn chặn tiêu cực, "lợi ích nhóm", "hoàng hôn nhiệm kỳ" có thể xảy ra trong công tác cán bộ. 
Cũng như hành vi tham nhũng, hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay ngày càng đa dạng, tinh vi, khó phát hiện. Quá trình nghiên cứu, tổ biên tập đã cố gắng nhận diện hành vi một cách cụ thể, rõ ràng, dễ phát hiện, mọi người có thể đối chiếu quy định để tự soi, tự sửa hoặc làm căn cứ để phát hiện biểu hiện vi phạm của người khác. Trong thực tế có thể còn những hoạt động liên quan đến chạy chức, chạy quyền cần được tiếp tục nghiên cứu, nhận diện.

Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện về kinh tế-xã hội; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, đối ngoại được mở rộng; vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả rõ nét; lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố. Đối với Đảng bộ Quân đội, đại hội khẳng định bản lĩnh chính trị, sự trưởng thành qua hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng; thể hiện quyết tâm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Để tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tập trung quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, lực lượng trong chuẩn bị đại hội đảng các cấp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm thống nhất về nhận thức, tư tưởng, chuẩn bị tổ chức đại hội theo đúng phương châm: Kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn, thiết thực, không phô trương hình thức, tránh lãng phí. Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, đối thoại dân chủ sâu rộng trong suốt quá trình trước, trong và sau đại hội đảng bộ các cấp, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn quân; chống đơn thư khiếu kiện, tố cáo vượt cấp. Thông qua đại hội đảng các cấp, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ Quân đội thực sự tiêu biểu, mẫu mực, lãnh đạo toàn quân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tốt văn kiện của cấp ủy trình đại hội, trọng tâm là báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy. Báo cáo chính trị phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế; tập trung làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, các khâu đột phá; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, toàn diện, sát thực. Đồng thời, quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và của cấp trên cũng như điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi để thực hiện trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo; xác định các giải pháp đột phá vào nhiệm vụ trọng tâm, khắc phục khâu yếu, mặt yếu; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đề ra kế hoạch, biện pháp hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới.
Ba là, công tác chuẩn bị nhân sự đại hội phải bảo đảm nguyên tắc; coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý. Quán triệt, thực hiện nghiêm tiêu chuẩn cấp ủy viên theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, QUTƯ, Thường vụ QUTƯ, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với cơ quan, đơn vị; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; không nhất thiết cơ quan, đơn vị nào cũng phải có người tham gia cấp ủy cấp trên. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, quân đội, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; có vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị và bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao; quan liêu, thiếu sâu sát, không thường xuyên gắn bó với bộ đội. Đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên phải là những đảng viên tiêu biểu trong đảng bộ, chi bộ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với mục tiêu lý tưởng của Đảng; phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh; tinh thần tự phê bình và phê bình cao; có khả năng đóng góp ý kiến vào các quyết định của đại hội.
Công tác chuẩn bị nhân sự phải thực hiện đúng Điều lệ Đảng và quy chế, quy định của Đảng. Việc đánh giá cán bộ phải dựa trên cơ sở đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, coi trọng kết quả hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị, chức trách. Đồng thời, có biện pháp chủ động phòng ngừa, cảnh giác, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức có dụng ý xấu, nhất là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự. Chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số…
Bốn là, thường xuyên nắm và quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cấp ủy các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tăng cường công tác nắm và quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ; kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp nảy sinh. Nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu tác động, cài cắm, móc nối vào nội bộ; kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh, vô hiệu hóa những luận điệu, tài liệu có nội dung bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, nói xấu nhằm chia rẽ, hạ thấp uy tín tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên… Thực hiện nghiêm các quy định về bảo mật thông tin, tài liệu, văn kiện đại hội; kết hợp chặt chẽ xây dựng đơn vị an toàn với địa bàn an toàn, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở; có kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối đại hội; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra cháy nổ, phá hoại trong quá trình chuẩn bị và diễn ra đại hội.
Năm là, đẩy mạnh các hoạt động thi đua, tuyên truyền về đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tổ chức chuẩn bị, tổ chức đại hội, đồng thời coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với công tác chuẩn bị đại hội, các cấp ủy cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rà soát hoàn thành toàn diện những chỉ tiêu được xác định trong nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 và thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Quán triệt nội dung trên, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần tiếp tục tự nghiên cứu, quán triệt, thực hiện với trách nhiệm cao nhất, để hiểu đúng, thực hiện đúng; sáng suốt lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài bầu vào cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới và tiến hành tốt công tác cán bộ ở các cấp. Đó cũng là trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên trong chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng./
Đào Tuấn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét