Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (nCoV) gây ra đã,
đang hoành hành diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã
hội trong nước cũng như toàn cầu. Ngày đầu tiên của tháng 2, Thủ tướng ký quyết
định công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Theo đó, tính chất, mức độ nguy
hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.
Các biện pháp phòng, chống dịch tuân thủ theo Luật Phòng, chống bệnh truyền
nhiễm. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ thị; Bộ Y tế cũng như các
bộ, ban, ngành, địa phương cũng rốt ráo chỉ đạo các biện pháp khẩn thiết phòng
chống dịch.
Bên cạnh sự tác động của dịch bệnh đến mọi mặt của
đời sống xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội,
công tác tuyên truyền phòng chống dịch được đẩy mạnh với tần xuất dày đặc.
Thông tin dịch luôn được cập nhật trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trên mạng xã hội
lại xuất hiện rất nhiều thông tin sai sự thật một cách rùng rợn gây nhiễu loạn,
xáo trộn dư luận xã hội, tạo tâm lý hoang mang về dịch bệnh.
Nhiều tài khoản
facebook đã đăng những thông tin không chính xác như: Hải Phòng đã có 1 ca nghi
ngờ mắc corona gây viêm phổi Vũ Hán đang được cách ly tại khoa Lây, Bệnh viện
Việt Tiệp…; 2 khách du lịch Trung Quốc bị mắc virus corona tại một khách sạn
nằm ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh; Bệnh viện Lê Lợi (thành
phố Vũng Tàu) có 2 du khách người Trung Quốc nghi nhiễm virus Corona nhập viện;
Phú Thọ đã có bệnh nhân nhiễm vi rút corona… Khi có những thông tin trên cơ
quan chức năng thuộc các địa phương đã kiểm tra và kết luận đó là những thông
tin thất thiệt nên đã xử phạt theo quy định của pháp luật.
Một số cá nhân, trong đó có cả những nghệ sĩ tên tuổi cũng có những động
thái thông tin thiếu chính xác về dịch virus corona bị dư luận phản ứng và cơ
quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, điều đáng nói là, có những thông tin xoay
quanh vấn đề phòng chống dịch không chỉ mang tính giật gân, câu like nữa mà
mang tính chất xấu độc, lợi dụng tuyên truyền phòng chống dịch để hướng lái dư
luận xuyên tạc, đả kích chế độ. Những thông tin thất thiệt nêu trên cùng những
cá nhân vi phạm pháp luật, khi bị cơ quan chức năng xử lý vô hình chung tạo cơ
sở cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá Đảng chống phá chế
độ. Họ tung tin Việt Nam bưng bít thông tin, chậm chạp công bố dịch, hối thúc
đóng cửa biên giới Việt Nam - Trung Quốc, lên tiếng bảo vệ một số cá nhân đã bị
các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật về tung tin xuyên tạc, thất thiệt về
dịch bệnh. Lợi dụng một số thông tin trên tài khoản của những kẻ phản động để
bình bàn, nói xấu chế độ…
Dịch viêm đường hô
hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Những thông tin xoay quanh diễn biến dịch, công tác phòng chống ngày càng xuất
hiện nhiều trên báo chí, bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn liên tục gia
tăng các thủ đoạn biện pháp lợi dụng những sơ sở trong tuyên truyền, phòng
chống dịch để chống phá chế độ, chống phá Đảng ta. Vì vậy, người dân cần chọn
lọc thông tin, tránh bị tác động và tuyên truyền, chia sẻ trên mạng xã hội
những bài viết, thông tin không đúng sự thật. Tin giả, thất thiệt không những
gây hoang mang, hoài nghi trong dư luận mà còn gieo tâm lý sợ hãi cho xã hội,
cho cộng đồng. Bộ luật Hình sự quy định người tung tin thất thiệt nhằm gây
thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu
trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm. Người có hành vi thông tin
sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định
tại Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng
viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm. Nghị định 174/2013 của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn
thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, trường hợp phao
tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh
doanh qua mạng… thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền
20 – 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân. Luật An
ninh mạng cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang
trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho
hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và
lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Còn nếu xác định tin đồn
sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm
trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến
hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành
chính.
Mặt khác, những thông tin thất thiệt, không đúng sự thật ấy khi được người
dân tin, chia sẻ thì vô hình chung tiếp tay cho kẻ xấu, phản động có cơ hội lợi
dụng, chống phá. Mọi tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, người dân và cán bộ, chiến
sỹ trong lực lượng vũ trang cần nâng cao trách nhiệm với những thông tin do
mình đăng tải, chia sẻ; cảnh giác, chọn lọc thông tin và tin tưởng, thực hiện
các biện pháp tích cực trong phòng, chống dịch hiện nay. Bởi 15 năm trước, Việt
Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch Sars trong tổng số 65 nước nhiễm
dịch, được Tổ chức Y tế thế giới WHO phổ biến cho thế giới tham khảo, vận dụng./.
Đinh Thiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét