Ngạn ngữ có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để nhắc nhau
phải thận trọng trong phát ngôn. Nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin, nhất
là trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tình trạng phát
ngôn bừa bãi diễn ra khá phức tạp.
Theo Đại từ điển tiếng Việt, thói a dua được hiểu là hùa theo,
bắt chước... (tất nhiên chỉ hùa theo cái xấu, cái tiêu cực, sai trái thì mới
được gọi là a dua). Ở đây chúng ta cần phân định cho rõ việc ủng hộ, giúp đỡ
cái mới, cái tốt, cái tích cực với a dua hùa theo những cái xấu, cái tiêu cực.
Bệnh a dua đã có từ rất lâu. Trong xã hội hiện đại, trước sự nhiễu loạn của
truyền thông, nhất là mạng xã hội (MXH) thì căn bệnh a dua ngày càng trở nên
trầm trọng. Rõ nhất là tình trạng trong khi đại đa số người dân luôn tích cực
lao động, học tập, tìm tòi, sáng tạo để vượt khó vươn lên trong cuộc sống thì
có một bộ phận không chịu động não mà a dua, học đòi, chạy theo những lối suy
nghĩ, mốt làm ăn, phong cách sống mà họ cho đó là “thời thượng”. Đặc biệt trong
giới trẻ hiện nay, thói a dua là thói bắt chước, đua đòi theo những giọng điệu,
những trào lưu, những phong cách sống lai căng, quái dị, ngày càng rõ nét.
Người mắc bệnh a dua là những người không nói ra, không viết ra
từ nhận thức, quan điểm, chính kiến của cá nhân mình mà theo đuôi, phụ họa theo
cách nhìn nhận, quan điểm của người khác. Mặc dù quan điểm, nhận thức của mỗi
người có đúng, có sai, nhưng nhiều người a dua mà không cần suy xét đến tính
đúng sai, đạo lý và pháp lý mà nhìn nhận mọi chuyện cho ngọn ngành, thấu đáo và
nhân văn. Những người như thế chẳng khác nào họ đang nhắm mắt chạy theo, hùa
theo kẻ xấu một cách mù quáng. Cụ thể là hùa theo, phụ họa theo những suy nghĩ,
phát ngôn, hành động của đám đông. Bởi thế, người mắc bệnh a dua sẽ đánh mất
mình một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. Hay nói cách khác, khi đã mắc bệnh a
dua, con người tức khắc đánh mất lòng tự trọng, ý thức tự tôn của mình. Thực
chất a dua xét cho cùng là bệnh của kẻ yếu hèn, của kẻ xu nịnh "gió chiều
nào che chiều ấy". Dễ nhận thấy bệnh a dua chỉ xuất hiện ở những kẻ yếu cả
về phẩm chất và trình độ, năng lực. Chính sự hèn yếu đã đẩy kẻ mắc bệnh a dua
đến chỗ thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh và lệ thuộc vào người khác, bị người khác
thao túng, nhưng không tự biết mà cứ lao vào tung hô xem những người đó nói gì
cũng là lẽ phải. Cứ như thế, từng bước kẻ mắc bệnh a dua sẽ mất khả năng nhìn
nhận, suy xét các vấn đề, nhất nhất "ăn theo nói leo" , bất luận lời
nói, hành động của họ đúng-sai.
Trong cuộc sống, bệnh a dua xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi
ngõ ngách từ cách ăn mặc, đi đứng, phát ngôn. Những người mắc bệnh a dua không
phân biệt được đúng-sai, hay-dở, cứ thấy người ta sao thì mình theo vậy.
Chính sự theo đuôi mù quáng của những kẻ mắc bệnh a dua đã làm cho cái xấu, cái
sai nhỏ bị loang rộng, đẩy lên và hậu quả thật khôn lường. Trong thời đại Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư, khi thói a dua được lợi dụng một cách tinh vi, rất
có thể sẽ trở thành phương pháp tập hợp, lôi kéo lực lượng rất nguy hiểm.
Lợi
dụng căn bệnh a dua để chống phá
Một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức lối sống, được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra, đó là căn bệnh
a dua với biểu hiện cụ thể là: “Phụ họa theo những nhận thức lệch lạc,
quan điểm sai trái”. Đúng như nhận định của Ban Chấp hành Trung ương, những năm
qua, trên MXH xuất hiện nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo,
thổi phồng mà không ít đảng viên và một bộ phận nhân dân đã đọc, đã nghe nhưng
không phân biệt được đúng-sai, hay-dở mà nhiều người đã có biểu hiện dao động,
mất lòng tin, dẫn tới hùa theo và xa hơn là “tự diễn biến”, "tự chuyển
hóa", suy thoái về tư tưởng chính trị.
Nhận thấy rõ khả năng có thể lợi dụng thói a dua để khai thác,
tổng hợp thông tin từ đó xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng nhằm đánh lừa dư luận;
kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng, nên những phần tử phản động, thù địch
triệt để lợi dụng căn bệnh này để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Những thông tin
chưa được kiểm chứng, những thông tin sai trái từ phát biểu bừa bãi của một số
nhân vật và những người a dua, hùa theo trên MXH được các thế lực thù địch tổng
hợp, nhào nặn nhằm tạo ra thông tin mà nghe qua người ta dễ lầm tưởng là có cơ
sở khách quan, sau đó họ từng bước cài vào những thông tin xuyên tạc, bịa đặt,
thổi phồng, bóp méo nhằm đánh lừa dư luận, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Họ
triệt để khai thác thế mạnh của internet và MXH để lan truyền những thông tin
sai trái, bịa đặt, xuyên tạc sự thật thu lượm từ những người phát ngôn bừa bãi,
từ những kẻ a dua, “ăn theo nói leo” làm cho đúng sai, thật giả lẫn lộn, khiến
dư luận hoang mang. Những người hay phát biểu bừa bãi, những kẻ hay a dua hùa
theo những phát ngôn bừa bãi trở thành đối tượng để các thế lực thù địch dụ dỗ,
mua chuộc, kích động, lôi kéo và khống chế, nhằm phục vụ mưu đồ thâm độc của
chúng.
Âm mưu lợi dụng những người phát ngôn bừa bãi, những kẻ a dua
“ăn theo nói leo” để chống phá cách mạng Việt Nam của các phần tử phản động,
thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp. Chúng tranh thủ hà hơi tiếp sức, kích
động và sử dụng những đối tượng có tư tưởng xét lại chống Đảng, những phần tử
cơ hội chính trị ngay trong nội bộ ta để chống phá. Trong đó, chúng tập trung vào
lôi kéo, tập hợp số cán bộ đã nghỉ hưu vào các câu lạc bộ, diễn đàn, hội đoàn.
Đặc biệt, chúng tranh thủ lôi kéo, kích động một bộ phận cán bộ, đảng viên mất
phương hướng, cơ hội chính trị, yếu kém bản lĩnh để móc nối câu kết giữa bọn
phản động ở nước ngoài với những phần tử bất mãn trong nước. Chẳng hạn trong vụ
gây rối ở Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung, từ những phát ngôn sai
trái của linh mục Nguyễn Đình Thục, tổ chức phản động Việt Tân, mà điển hình là
tên phản động Hoàng Đức Bình (một đối tượng nguy hiểm mang nặng dã tâm cùng mưu
đồ chống phá, gây bạo loạn hòng lật đồ Nhà nước Việt Nam) đã kích động căn bệnh
a dua trong giáo dân để hô hào, hùa theo, xuyên tạc, bóp méo về diễn biến vụ
việc, kích động giáo dân gây sức ép với chính quyền và cơ quan chức năng địa
phương. Tất nhiên Hoàng Đức Bình đã bị bắt và phải chịu trách nhiệm trước pháp
luật về những hành động của mình. Nhưng qua vụ việc này, phần nào cho thấy tính
chất nguy hiểm của căn bệnh a dua, đặc biệt là khi căn bệnh này bị những phần tử
phản động, thù địch lợi dụng.
Trị
bệnh để ngăn chặn lợi dụng chống phá
Không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng căn bệnh a dua
để chống phá, trước hết chúng ta cần tìm cách chữa trị căn bệnh này. Công việc
cần thiết trước nhất cần nói đến đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục
nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân,
giúp mọi người tham gia vào không gian mạng nhận diện đúng bản chất và tính
phức tạp, nhiễu loạn của các thông tin trên MXH. Mặt khác, cần tuyên truyền để
mọi người dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng căn bệnh a dua để truyền
bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng
hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch, phản động. Thông qua
tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức đề kháng và khả năng “miễn dịch” cho mỗi
người vẫn là giải pháp quan trọng, căn cơ để chúng ta từng bước khắc phục căn
bệnh a dua và âm mưu lợi dụng căn bệnh này để chống phá của các thế lực thù
địch.
Truyền thông xã hội nói chung, MXH nói riêng giống như “cái chợ”
và khi tham gia vào “cái chợ” ấy ta phải chấp nhận ở đó tất thảy mọi thông tin:
Tốt có, xấu có; đúng có, sai có; thuận chiều có và trái chiều có... Để không
biến mình thành kẻ a dua, theo đuôi, không đánh mất mình khi vào “chợ thông
tin” này, điều quan trọng hơn là chúng ta phải luôn giữ thế chủ động thông tin.
Trước mỗi sự kiện, vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, thông qua
các phương tiện truyền thông chính thống, các cơ quan chức năng cần cung cấp
kịp thời, đầy đủ, chính xác những thông tin cần thiết đến người dân. Thực tiễn
cho thấy chủ động dẫn dắt, định hướng thông tin trên không gian mạng là phương
cách hữu hiệu để phòng ngừa những phát biểu bừa bãi và thói a dua vào hùa nhằm
mục đích xấu. Đi cùng với đó, mỗi chúng ta phải tự trang bị cho mình những kiến
thức cần thiết để phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai,
đâu là thông tin không có cơ sở; đâu là thông tin hữu ích, thông tin xấu độc...
Trong thế giới phẳng, mỗi người chúng ta cần hết sức cẩn trọng
trong mỗi phát ngôn, mỗi bài viết khi tung lên các phương tiện truyền thông xã
hội. Trước mỗi phát ngôn, mỗi hành vi, sự việc nghe được, bắt gặp trong đời
sống, mỗi người chúng ta trước khi bày tỏ thái độ, quan điểm cần có sự suy xét,
nhìn nhận và lý giải cho thấu đáo, để ứng xử nhân văn và không đánh mất mình.
Mặt khác, mỗi người bằng các công cụ có sẵn hoàn toàn có thể điều tiết được các
mối quan hệ của mình trên MXH để sàng lọc, chia sẻ, bình luận trong chừng mực
nhất định. Khi mọi người tỉnh táo, sáng suốt trong sàng lọc thông tin, nhận
diện và ứng xử phù hợp trước những thông tin xấu độc thì các thế lực thù địch
không dễ bề lợi dụng để chống phá. Đây cũng chính là phương cách để mỗi người
chúng ta góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái trên
không gian mạng./.
Nguyễn Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét