Trong khi cả xã hội
đang quyết tâm cao nhất để phòng chống dịch bệnh Covid-19, một số cá nhân vẫn cố
tình đăng tải những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật về tình hình dịch
bệnh và tán phát rộng rãi trên không gian mạng, gây hoang mang dư luận. Bộ Công
an đang quyết liệt đấu tranh xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.
Hơn một năm Luật An ninh mạng có hiệu lực, hàng trăm trường hợp đã được xử lý.
Qua đó, hiệu quả của luật An ninh mạng đã một lần nữa được khẳng định.
Việc xử lý các đối tượng tung tin sai lệch
liên quan đến dịch bệnh nCoV được các địa phương triển khai rất quyết liệt và
nghiêm túc trong thời gian qua. Không chỉ là tìm đối tượng tung tin giả để xử
lý, mà còn yêu cầu các mạng xã hội phải gỡ những thông tin như vậy, rồi đăng tải
những thông tin chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, hàng trăm các đối
tượng đã bị các lực lượng chức năng triệu tập, xử phạt hành chính do hành vi lợi
dụng dịch bệnh để công kích, bêu xấu các tổ chức, cá nhân; hoặc kêu gọi, kích động
công nhân nghỉ việc, đình công; phục vụ mục đích câu like để bán hàng online...
Mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, một số nghệ
sĩ nổi tiếng cũng đã phải làm việc với Sở Thông tin & Truyền thông thành phố
sau khi đưa tin thất thiệt liên quan đến các bệnh nhân nhiễm virus Corona. Sau
đó, số nghệ sĩ này đã thừa nhận sai sót và bị xử phạt hành chính.
Nhờ những quy định của Luật An ninh mạng
kết hợp với những hành lang pháp lý hiện có, những thông tin thất thiệt đã có
thể được xử lý dễ dàng hơn. Nhờ thế, vài ngày trở lại đây, người dân không còn
tâm lý lo lắng và hoang mang như những ngày đầu, tình trạng nhiễu loạn về thông
tin cũng đã được hạn chế. Đó là minh chứng rõ ràng về hiệu quả mà Luật An ninh
mạng mang lại cho xã hội.
Trước và trong quá trình xây dựng Luật
An ninh mạng, đã xuất hiện một số ý kiến trái chiều, thậm chí là xuyên tạc về một
số nội dung được quy định trong Luật như luật sẽ "vi phạm quyền con người,
bóp ghẹt quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận". Nhưng thực tế, mọi người vẫn
được bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, tự do ngôn luận hoàn toàn không bị
hạn chế nếu chấp hành các quy định của pháp luật. Môi trường không gian mạng
đang dần trở nên văn hóa, lành mạnh hơn. Nhiều thông tin, bài viết, video có xu
hướng kích động, ảnh hưởng tiêu cực tới chuẩn mực, đạo đức xã hội đã được ngăn
chặn, xử lý. Luật khi đi vào cuộc sống cũng đã bảo vệ tốt hơn đời tư và lợi ích
của người dân trên không gian mạng.
Sau hơn một năm có hiệu lực, có thể khẳng
định rằng Luật An ninh mạng là bộ luật thiết thực, đi vào cuộc sống. Không chỉ
riêng Việt Nam, đến nay, đã có tới gần 140 quốc gia đã ban hành luật an ninh mạng,
nhằm đảm bảo tốt hơn an ninh của mỗi một quốc gia trên môi trường Internet. Tuy
nhiên, ngoài nỗ lực xây dựng thể chế pháp luật, mỗi người dùng mạng xã hội cũng
phải luôn tỉnh táo, sáng suốt trước mỗi thông tin đăng tải, quan trọng hơn nữa
là phải thượng tôn pháp luật vì sự bình yên và phát triển của xã hội./.
Cao Lãnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét