Hiện nay,
internet ngày càng phát triển và đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời
sống xã hội. Bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại, đây cũng là môi trường
thuận lợi để các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động chống phá Việt Nam.
Thủ đoạn mà
các thế lực thù địch đang lợi dụng internet để phát tán đó là:
Thực hiện
Live stream trực tiếp để kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp vào nội bộ hoặc tham
gia bình luận trái chiều trên mạng xã hội.
Thủ đoạn này
là chúng dùng tài khoản Facebook với công cụ Live stream để phát videoclip trực
tiếp về một sự việc do chúng dựng lên hoặc “lên sóng” trực tiếp trên mạng xã
hội để tạo “diễn đàn” kêu gọi mọi người tham gia bình luận về một vấn đề “nóng”
được dư luận xã hội quan tâm. Thủ đoạn này được chúng xây dựng “kịch bản” khá
công phu, nội dung chúng quay video phát trực tiếp thường là các vụ việc liên
quan đến các cuộc biểu tình, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan
công quyền. Chủ đề chúng chọn thường là các vấn đề liên quan trực tiếp đến
quyền lợi thiết thực, bức xúc của người dân như môi trường, dân sinh, giải
phóng mặt bằng, quan hệ ứng xử của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, thực
thi công vụ của các lực lượng chức năng, v.v.
Sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công
vào sự hiếu kỳ của công chúng. Đây là thủ đoạn lợi dụng việc báo
chí chính thống trong nước khi đưa tin đều phải qua quá trình tiếp cận thực tế,
kiểm định nguồn tin, biên tập, thông qua mới cho đăng tin, bài. Lợi dụng
“khoảng trống thông tin” này, chúng phát tán ồ ạt, trực tiếp những tin, bài
xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về
vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà
nước, tham nhũng, tiêu cực dưới các dạng như: thông tin sự việc, đặt câu hỏi,
bỏ ngỏ vấn đề để bạn đọc suy ngẫm,… (Ai đứng đằng sau “Vũ Nhôm”, “Út Trọc”? Sau
Đinh La Thăng là ai vào tù? Ai xếp hàng sau tướng Nguyễn Thanh Hóa,…), với
những thông tin trộn lẫn thật giả, kích thích tính hiếu kỳ, tò mò của cộng đồng
mạng muốn vào các trang Facebook, Blog và các tờ báo điện tử phản động, gây tâm
lý hoang mang, bán tín, bán nghi, v.v.
Làm mới
thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới để chống phá Quân đội là thủ
đoạn được chúng tiến hành khá “bài bản”. Thông tin cũ được lựa chọn để “làm
mới” và “thông tin mới được lựa chọn để bịa đặt” thường là những đoạn videoclip
hoặc hình ảnh có liên quan đến mối quan hệ cán bộ với chiến sĩ, cán bộ được cho
là “hành hung chiến sĩ”, “chiến sĩ cũ đánh chiến sĩ mới”, các vấn đề liên quan
đến dân chủ trong Quân đội, quan hệ quân dân,… do chúng tạo dựng nên hoặc các
vụ việc đã được xử lý, giải quyết từ lâu nhưng chúng đưa ra “làm mới”; hoặc
những thông tin mới, mặc dù đã có kết luận của các cơ quan chức năng nhưng
chúng bịa đặt, xuyên tạc, bình luận một chiều.
Tự do internet, tự do ngôn
luận không có nghĩa là tự do tuyệt đối, không phải thích viết gì, nói gì, muốn
xâm phạm cá nhân, tổ chức nào cũng được, mà phải tuân thủ đúng các quy định của
pháp luật.
Ai cũng có quyền tiếp cận thông tin, nhưng mỗi người hãy tự
biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, bịa đặt, độc hại. Ai cũng
có quyền tự do thể hiện quan điểm, chính kiến nhưng quyền ấy phải có giới hạn.
Cần tỉnh táo nhận diện để không bị rơi vào sự hỗn độn thông tin, không bị kẻ
xấu hướng lái, lôi kéo, biến mình thành nhà “dân chủ mạng”, trở thành con rối
của kẻ địch, biến internet thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại quốc
gia, dân tộc mà mình là chủ thể có nghĩa vụ phải bảo vệ, gìn giữ.
Tất cả mọi người cần đặc biệt
cảnh giác với các thông tin bịa đặt, độc hại trên không gian mạng, các luận
điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động hòng chia rẽ nội
bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từng người phải có ý thức, lên án
mạnh mẽ các hành vi sai trái, phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp
nghiêm trị hành vi lợi dụng internet phá hoại nội bộ, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh
đạo Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, văn minh,
đập tan mọi ý đồ đen tối của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc an ninh
quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
|
Ngọc Bảo
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét