Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC BAN HÀNH LUẬT AN NINH MẠNG HIỆN NAY





                                
       Hiện nay, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng cơ hội phản động đã và đang ráo riết sử dụng không gian mạng và những kẽ hở của luật pháp để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu quốc tế, hiện nay Việt Nam là nước nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất. Các thế lực thù địch, tội phạm triệt để lợi dụng tiện ích của internet, đặc biệt là mạng xã hội để tiến hành hoạt động xâm phạm an ninh trật tự, gây bất ổn trong xã hội. Trong khi đó, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định về công tác an ninh mạng; các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác an ninh mạng. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết.
Mặt khác, ở nước ta hiện nay, an ninh mạng là vấn đề khá mới mẻ, đa phần người sử dụng mạng chưa lường trước được các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường mạng. Vấn đề an ninh mạng đang dần trở thành một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý của nhà nước trong việc xử lý thế nào để hạn chế mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực từ không gian mạng.Từ thực tiễn đó, việc sớm soạn thảo và ban hành Luật an ninh mạng là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Luật An ninh mạng đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 13/6/2018, Luật An ninh mạng gồm có 7 chương, 43 điều quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung công tác an ninh mạng, hoạt động bảo đảm triển khai công tác an ninh mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam. Luật An ninh mạng ra đời để đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc, sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là dự án luật rất quan trọng để góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, đặc biệt là bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng của an ninh quốc gia. Vì vậy, Dự thảo nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân và sẽ sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.
Minh Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét