Trong thời hiện đại, ít có nghề
nào có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang như nghề báo. Sự ra đời
của Báo Thanh Niên ngày 21-6-1925-tờ báo cách mạng đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí
Minh sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc) là dấu mốc khẳng định sự hình thành
một “binh chủng” mới-“binh chủng” tuyên truyền, truyền bá ý thức hệ tư tưởng
cách mạng, quan điểm và đường lối đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Báo chí cách mạng Việt Nam có
điểm xuất phát không giống với nhiều nền báo chí khác trên thế giới, đó là báo
chí ra đời trong quá trình đấu tranh cách mạng, phục vụ cách mạng giải phóng
dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vì thế
tính cách mạng vừa là bản chất, vừa là đặc trưng nổi bật của báo chí Việt Nam.
Tính
chất cách mạng của nền báo chí Việt Nam đã quy định chức năng, sứ mệnh cao cả
của những người làm báo Việt Nam là suốt đời phụng sự cách mạng, phụng sự Tổ
quốc, phụng sự nhân dân. Bác Hồ đã từng khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là
chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Vì mang
trong mình phẩm chất cách mạng của những người chiến sĩ xung kích, chúng ta
từng có một thế hệ nhà báo chiến trường của Báo Quân đội nhân dân làm báo trực
tiếp tại mặt trận Điện Biên Phủ, xuất bản được 33 số báo ngay trên chiến trường
nóng bỏng Điện Biên Phủ. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo
vệ Tổ quốc, đã có hơn 500 nhà báo anh dũng ngã xuống trên các chiến trường
trong lúc đang tác nghiệp. Điều đó nói lên tinh thần tự nguyện dấn thân, xông
pha vào nơi nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng cao cả của dân
tộc và đất nước. Đó cũng là minh chứng về bản lĩnh, khí phách hào hùng của
những người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận báo chí ở nước ta mà không phải
nền báo chí nào trên thế giới cũng có được niềm vinh quang ấy.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã
đồng hành cùng dân tộc được 93 năm. Sau chặng đường dài ngót một thế kỷ, chúng
ta vui mừng nhận thấy, từ một tờ báo cách mạng, đến nay cả nước ta có gần 850
ấn phẩm báo chí, với một đội ngũ 36.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí,
trong đó có 18.000 nhà báo được cấp thẻ và 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt
Nam. Báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ làm tốt vai trò, trọng trách trong sự
nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn trở thành lực lượng hùng hậu trên mặt trận
thông tin truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa
của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Những năm gần đây, một số biểu
hiện lệch lạc của báo chí tuy ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng
dành cho báo chí, nhưng phải khẳng định rằng, đại đa số nhà báo vẫn giữ được
“mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, trở thành điểm tựa tin cậy của Đảng, Nhà nước
ta trong công cuộc “phò chính, trừ tà”, chung tay góp sức cùng nhân dân cả nước
thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Như trên đã nói, báo chí cách
mạng Việt Nam là một nền báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nền
báo chí ấy mang trong mình bản chất nhân văn, vì con người, đem lại những giá
trị văn minh, tốt đẹp cho cuộc sống con người và thúc đẩy xã hội phát triển hài
hòa, tiến bộ. Điều đó đặt ra cho mỗi người làm báo hôm nay không bao giờ được
phép xa rời những nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng, đó là tiếp tục dấn
thân, cống hiến, mang đến cho công chúng, xã hội những tác phẩm, sản phẩm báo
chí thật sự bổ ích, lành mạnh, nhân văn. Để hoàn thành sứ mệnh đó, một mặt đòi
hỏi mỗi nhà báo phải nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi cả về trình độ, năng lực
chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; mặt khác đặt
ra yêu cầu đối với các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo
chí cần tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý, môi trường tác nghiệp, cơ chế,
chính sách thuận lợi giúp cho báo chí hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Quang Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét