Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

KHÔNG ĐỂ LÒNG YÊU NƯỚC CỦA MÌNH BỊ LỢI DỤNG



Đánh giá về lòng yêu nước của dân tộc ta, Bác Hồ đã có những nhận định rất xác đáng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Xưa cũng như này, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, lòng yêu nước của nhân dân ta trước sau như một.
Chúng ta tự hào truyền thống đó nhưng nhìn lại cách thể hiện lòng yêu nước trong từng thời kỳ, chúng ta cũng không quên rút ra những bài học sâu sắc. Đó là luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Đó là không bao giờ nhân nhượng với kẻ thù trong các đòi hỏi về tự do, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ… nhưng cũng không phải luôn xem bất kỳ đối tượng nào là kẻ thù vĩnh viễn. Đó là “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, chúng ta luôn yêu nước bằng tâm thế của những người yêu chuộng hòa bình, không lúc nào muốn có chiến tranh, trừ khi chiến tranh để đem lại hòa bình. Đó là sẵn sàng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, vượt qua hận thù để cùng nhau phát triển. Đó là luôn đề cao cảnh giác trong mọi hoạt động, không chỉ chủ quyền lãnh thổ mà còn về chính trị, kinh tế, văn hóa… Và cuối cùng, đó là mỗi người trong điều kiện cụ thể của mình cố gắng làm được điều gì có ích và thiết thực nhất cho đất nước.
Thời gian gần đây, với nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo của một số đối tượng, Đảng và Nhà nước ta đã sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ, linh hoạt, kiên quyết, kiên trì, từ ngoại giao, chính trị, quân sự cho đến thông tin tuyên truyền để bảo vệ chủ quyền. Đồng thời, chúng ta cũng duy trì các hoạt động kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao, ngoại giao nhân dân… một cách hợp lý để giữ vững ổn định chính trị, ổn định xã hội và không ngừng thúc đẩy đất nước phát triển. Sự cân bằng, hài hòa giữa các hoạt động là nhằm giữ vững chủ quyền và duy trì sự phát triển toàn diện của đất nước, đồng thời góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Cũng trong thời gian đó, nhân dân ta đã có nhiều cách bộc lộ lòng yêu nước. Trong đó, nhiều người đã tham gia các hoạt động hướng về biển đảo với những việc làm cụ thể, thiết thực, như góp đá xây dựng Trường Sa, ủng hộ cây xanh cho biển đảo, tham gia các ngày hội tuyên truyền về biển đảo, tích cực giới thiệu về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với các bạn bè thế giới… Một số người đã tham gia tuần hành phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền, các hoạt động có nguy cơ bị ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ của nước ta từ một số thế lực nước ngoài, nhất là của Trung Quốc, ít nhiều tạo được tiếng vang trong và ngoài nước.
Thế nhưng, bên cạnh các hoạt động tích cực thì cũng có không ít các hành vi được nhân danh là yêu nước nhưng kết quả lại làm tổn hại đến xã hội, đến đất nước. Đã có một số người có hành vi quá khích, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của tổ chức và cá nhân người Việt Nam lẫn người nước ngoài. Đã có một số người tấn công cả vào các cơ quan nhà nước và lực lượng thừa hành đang bảo vệ trật tự. Đã có một số người có hành vi lợi dụng hoạt động yêu nước để chống phá Nhà nước và kích động chống phá Nhà nước bằng những hành động thực tế hoặc qua mạng internet. Đã có một số người có tâm lý tẩy chay những sản phẩm của Trung Quốc và kêu gọi người khác tẩy chay một cách cực đoan, dẫn đến tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử một cách không phù hợp. Đã có một số người tỏ ra yêu nước nhưng có tâm lý dựa dẫm vào nước này để chống nước kia mà không nghĩ rằng chỉ có tự lực, tự cường mới có thể tự bảo vệ mình…
Bên cạnh sự thiếu thông tin, sự nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn của nhiều người thì còn có sự kích động, phá hoại của một thế lực thù địch, được ẩn giấu dưới nhiều hình thức. Tiếc rằng có người đã nhẹ dạ, cả tin và nghe theo sự xúi giục đó một cách mù quáng mà tưởng rằng hành vi của mình thực ra là đang yêu nước.Bởi trên thực tế, liệu yêu nước có phải là làm xấu hình ảnh của địa phương, của đất nước đối với bạn bè quốc tế? Liệu yêu nước có phải là gây thiệt hại các lợi ích hợp pháp của người Việt Nam và người nước ngoài – kể cả của người Trung Quốc – thông qua các hoạt động đập phá? Liệu yêu nước có phải là gây đình đốn sản xuất, khiến các doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường, làm nhiều công nhân phải mất việc, nhiều nông dân không thể bán được sản phẩm của mình, nhiều người hoạt động du lịch bị thiệt hại do khách du lịch ngại đến Việt Nam…? Liệu yêu nước có phải là tụ tập đông người trái phép ở khu vực vui chơi giải trí, khu vực buôn bán của các cửa hiệu, của người dân, ở các tuyến đường, làm đảo lộn sinh hoạt của nhiều người? Liệu yêu nước có phải là tấn công vào các cơ quan công quyền, sử dụng bạo lực với lực lượng bảo vệ trật tự trong khi lực lượng này giữ đúng mực trong ứng xử?...
Rõ ràng, yêu nước không thể là những lời nói suông, không thể là những hành động không có ý nghĩa, càng không thể là những hoạt động đi ngược hoặc tổn hại lợi ích của cộng đồng của xã hội, của đất nước. Nếu chúng ta không tỉnh táo mà biểu thị lòng yêu nước một cách sai lệch đó thì không những không giữ được chủ quyền quốc gia, không những không thúc đẩy phát triển đất nước mà còn gây tổn hại không thể bù đắp cho đất nước, cho dân tộc. Khi đó, những hành vi nhân danh yêu nước chỉ có lợi cho những kẻ lợi dụng, chính là những kẻ phản động, những kẻ phá hoại đất nước này.
Cho nên, chúng ta yêu nước bằng những hành động thiết thực và không bao giờ để người khác lợi dụng lòng yêu nước của mình!
Văn bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét