Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Việt Nam giữ vững nguyên tắc “4 không”


Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 khẳng định: Việt Nam thể hiện mong muốn và quyết tâm trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đồng thời, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ; nêu rõ những thách thức và những điều chỉnh trong chính sách, cơ chế lãnh đạo, quản lý, quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ đất nước, sự minh bạch về chính sách cũng như khả năng quốc phòng của Việt Nam. Thế nhưng, các thế lực thù địch và một số phần tử phản động, cơ hội chính trị, lưu vong, bất mãn với chế độ lại tung ra những luận điệu hết sức tinh vi, thâm độc, bình luận, phân tích dưới chiêu trò “phản biện” sách trắng Quốc phòng, hòng lừa bịp, dẫn dắt dư luận trong và ngoài nước. Họ bịa đặt nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Quân đội, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến tới xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, hiện thực hóa mưu đồ “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.

Trước hết, các thế lực thù địch căn cứ vào những điểm mới trong sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 để đưa ra luận điệu sai trái, suy diễn không có căn cứ và xuyên tạc nguyên tắc “bốn không”. Họ cho rằng: Việt Nam đưa ra cái “không” thứ 4 khi đang ở thế bị động và sẽ nghiêng vào một nước khác khi cần thiết. Rằng: “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là “tự trói tay chân mình” và không phù hợp với tình hình thực tế, đi ngược lại với xu thế toàn cầu hóa; “không sử dụng vũ lực” nghĩa là Việt Nam từ bỏ việc dùng vũ lực trong bảo vệ đất nước.

Đặc biệt, khi chính trường thế giới liên tục dậy sóng trước những căng thẳng leo thang xoay quanh quan hệ giữa Nga và Ukraine mà điểm nút là khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine (24/02/2022). Trên khắp không gian mạng, người ta bình nhiều, luận nhiều, loạn tin không ít… Trong đó, một số nói có cơ sở sâu sắc rất thuyết phục, tuy nhiên có nhiều kẻ nhân cơ hội này khai thác thông tin để “đánh bóng”, thêu dệt thêm cho thêm phần “nóng bỏng”, kiểu như trang của Việt Tân, baotiengdan hay BBC, RFA… Nếu như Việt Tân chỉ đăng tin về Ucraina, mặc sức thể hiện quan điểm riêng ai đúng ai sai thì dù có “nói nhăng nói cuội” chẳng ai buồn nói lại làm gì. Nhưng đằng này Việt Tân tận dụng tình hình để chống phá, xuyên tạc về việc bỏ phiếu của Việt Nam tại Liên Hiệp quốc về tình hình Ucraina, cho rằng rằng “Việt Nam bỏ phiếu trắng là có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế sao”… Còn “Báo tiếng dân” thì bình loạn “Ngoại giao Việt Nam rơi tự do”… BBC thì nói “Việt Nam biện bạch cho việc bỏ phiếu trắng”… Những kẻ này cố tình lờ đi những phát biểu và nỗ lực đóng góp của Việt Nam cho mục tiêu hòa bình.

Với Việt Nam, cả Nga và Ukraine đều là những người bạn truyền thống, nên rõ ràng chúng ta rất không vui trước tình hình xung đột, chiến sự hiện nay. Khi các bên xung đột này đều là bạn bè, đối tác, vậy ta phải lựa chọn cách ứng xử như thế nào? Một câu hỏi được đặt ra là ai đúng, ai sai và liệu cuộc xung đột này sẽ đi về đâu? Rõ ràng, Việt Nam đã thể hiện rất rõ thái độ ủng hộ giải pháp hòa bình, kêu gọi các bên kiềm chế, ngồi vào bàn đối thoại đàm phán, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng còn nêu rõ: “Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình xung đột vũ trang tại Ucraina”, “kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt ngay các hành động vũ lực, tránh gây thương vong và tổn thất cho dân thường”…, hoan nghênh các nỗ lực đối thoại. Việc Việt Nam bỏ phiếu trắng với nghị quyết về Ucraina tại Liên Hợp quốc là thể hiện quan điểm, thái độ chân thành, thẳng thắn nêu ý kiến với tất cả bạn bè, đối tác để đóng góp cho hòa bình. Với nước Nga, một người bạn truyền thống, từng giúp đỡ nghĩa tình cho Việt Nam, chúng ta ủng hộ Nga là một cường quốc trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh của nước Nga trong nội địa và không bị uy hiếp ngoài biên giới, không đồng tình với các lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây, cấm vận áp đặt lên nước Nga. Nhưng đồng thời ta không đồng tình khi chủ quyền, lãnh thổ các nước không được tôn trọng theo luật pháp quốc tế, bất luận là hình thức nào. Việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận.

Với Ukraine, ta ủng hộ việc bạn mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia, mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách “ngoại giao pháo hạm” của nước lớn. Ta phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraine, kêu gọi hòa bình, ổn định cho người dân. Tuy nhiên, Ukraine nên tỉnh táo hơn không để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn. Điều này cũng khẳng định bài học “3 không”: Không tham gia các liên minh quân sự; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Nay sách trắng Quốc phòng 2019 được hiểu đầy đủ thành “bốn không”, trong đó chủ trương “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là phù hợp với đường lối đối ngoại của đất nước trong tình hình mới và lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn đời nay của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, sức mạnh nội lực, ý chí tự cường luôn là nguồn sức mạnh to lớn nhất, vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta không thể dựa dẫm vào bất cứ một lực lượng hay một đối trọng nào để bảo vệ bờ cõi nước nhà. Bởi vì, suy cho cùng, trong tất cả các mối quan hệ bang giao quốc tế thì lợi ích quốc gia, dân tộc luôn là trên hết và trước hết của chính họ.

Như vậy, với chính sách “bốn không” trong quan hệ quốc phòng, Việt Nam có thể đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm chủ quyền, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Không tham gia các liên minh quân sự không đồng nghĩa với việc chúng ta bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài. Trong lĩnh vực quân sự, nước ta vẫn là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, luôn có sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, thực hiện cam kết vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Bằng chứng rõ ràng nhất đó là, chúng ta đã cử Sĩ quan liên lạc công tác ở Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, v.v.

Chúng ta cần xác định rõ, tất cả các liên minh quân sự đều bắt nguồn từ việc chia sẻ lợi ích. Không một quốc gia nào sẵn sàng hy sinh vì quốc gia khác mà không có lợi ích của mình. Mục đích sâu xa khi các đối tượng kêu gọi nhằm lái Việt Nam tham gia các liên minh quân sự, đặc biệt là liên minh với các quốc gia phương Tây, đưa Việt Nam vào quỹ đạo lệ thuộc để tiến hành thay đổi chế độ chính trị và bản chất xã hội của chúng ta. Nếu không thực hiện đường lối quốc phòng độc lập, tự chủ, chính bản thân chúng ta sẽ bị chuyển hóa, lệ thuộc.

Trong trật tự thế giới đa cực hiện nay, các mối quan hệ quốc tế trở nên vô cùng phức tạp. Ranh giới giữa đối tác, đối tượng tồn tại đan xen lẫn nhau; trong cùng một chủ thể có những khía cạnh là đối tác để chúng ta tranh thủ, hợp tác nhưng cũng có những khía cạnh là đối tượng để chúng ta đấu tranh.

Chính vì vậy, việc nghiêng vào bất cứ phe nào, phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào cũng không phải là sự lựa chọn thích hợp. Chỉ có phát huy sức mạnh độc lập, tự chủ mới là cách thức tối ưu nhất để bảo vệ Tổ quốc./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét