Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG!

 

Huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức cái gọi là "Đại hội Đại biểu hội Tướng lĩnh lần thứ nhất". Điều đáng nói là ở Việt Nam không hề có tổ chức nào gọi là "Hội Tướng lĩnh ". Chưa rõ là cơ quan nào cấp phép thành lập hội cho các tướng lĩnh Đức Thọ? Hội ngày có độc lập và tự tách mình khỏi Hội Cựu chiến binh...hay không? Có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thành lập hội theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 Chính phủ? Và nếu đủ điều kiện, không vi phạm pháp luật thì việc lập riêng "Hội Tướng lĩnh" với mục đích, tôn chỉ là gì? Có phải để phân biệt "đẳng cấp" so với Hội Cựu chiến binh và các hội khác?

Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản là những thói hư tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã từng được V.I Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh ấy, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt cuộc đời, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu. Không hoanh hoang tự đắc, không huyễn hoặc mình. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến bệnh công thần: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng.

Người xưa dạy "hữu xạ tự nhiên hương", các tướng lĩnh cống hiến cho đất nước, Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên ơn họ. Nhất tướng công thành vạn cốt khô! Để làm được tướng thì chắc chắn sẽ phải trải qua đời lính và nhờ đồng cam, cộng khổ, sát cánh chiến đấu với những người lính cụ Hồ thì họ mới có chiến công, được làm tướng. Vậy tại sao lại cho mình là thượng đẳng, tách rời khỏi hội Cựu chiến binh Việt Nam? Không lý những người lính đã hy sinh xương máu, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của tổ quốc lại không xứng đứng trong một tổ chức thống nhất là hội Cựu chiến binh cùng các tướng? Không có chiến sĩ thì lấy đâu ra tướng?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một đặc điểm rất nổi bật đó là sự khiêm tốn, khiêm nhường. Khiêm tốn là luôn đánh giá đúng bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, phấn đấu học hỏi để cầu tiến bộ, không cho mình là hơn đời, hơn người, biết tôn trọng ý kiến người khác, lắng nghe ý kiến tập thể. Đây là những đức tính cao quý nhất của Hồ Chí Minh mà chúng ta cần học tập và noi theo. Sự khiêm tốn của Bác Hồ được tích lũy và rèn rũa trong suốt cuộc đời cách mạng, có nhiều câu chuyện, khoảnh khắc kể về Bác, về đức tính khiêm tốn và giản dị, ở những câu chuyện ấy đều để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc và quý báu.

Trong một dịp tiếp xúc với nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - McNamara, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Các ngài gọi tôi là vị tướng Thần thoại, nhưng tôi nghĩ tôi bình đẳng với người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ, thì tôi cũng như người lính là bình đẳng, cho nên tôi rất tôn trọng người lính". Thánh nhân hay vĩ nhân không phải trên trời rơi xuống mà là kết quả của sự cống hiến suốt cuộc đời cho dân tộc, trong đó khiêm tốn là đức tính cao cả, làm nền tảng cho sự vĩ đại. Cụ Hồ không một tấm huân chương trên ngực áo nhưng vĩ đại như biển rộng, như núi cao.

Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa. Xin có đôi lời như vậy./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét