Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA ĐẢNG LÀ SỰ GẮN BÓ GIỮA “Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN”


Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc, tôn giáo luôn luôn đoàn kết, chung tay đấu tranh với “thiên tai, địch họa”, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo và công tác dân tộc, công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã xây dựng nguyên tắc của chính sách dân tộc ở Việt Nam là: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Những nguyên tắc này được quán triệt và thực hiện nhất quán, có hiệu quả trong mọi thời kỳ cách mạng. Trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945), đường lối, quan điểm giải quyết vấn đề dân tộc của Đảng là đảm bảo quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, Đảng ta tiếp tục thực hiện chính sách đoàn kết các dân tộc, trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến và kiến quốc, giúp nhau tiến bộ về mọi mặt.

Từ khi đất nước thống nhất, quá độ đi lên CNXH, nhất là quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm, nguyên tắc về chính sách dân tộc; đồng thời bổ sung, phát triển những nội dung mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đại hội XIII tiếp tục khẳng định các nguyên tắc trong quan hệ dân tộc ở Việt Nam, đó là “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Khẳng định nguyên tắc tôn trọng giữa các dân tộc ở Việt Nam vì 54 dân tộc ở Việt Nam chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng nên cần phải tôn trọng lợi ích của nhau trong quá trình phát triển, tôn trọng bản sắc văn hóa riêng. Trước đây, văn kiện Đại hội Đảng nói là các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, nhưng hiện nay đặt bình đẳng trước đoàn kết. Điều đó là do bình đẳng chính là cơ sở để thực hiện đoàn kết dân tộc. Bình đẳng dân tộc là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc ở Việt Nam. Chỉ có thực hiện được điều này mới có đoàn kết thực sự giữa các dân tộc ở Việt Nam. Khi còn có sự chênh lệch giữa các dân tộc thì vẫn còn kẽ hở cho các thế lực thù địch để lợi dụng nhằm chia rẽ quan hệ giữa các dân tộc, giữa dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số.

Thực tế, Đảng và Nhà nước đã đề ra và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án quan trọng, có tác dụng to lớn đối với đồng bào dân tộc, như: Quyết định 135/1998 về Chương trình phát triển KT - XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định 134/2004 về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số… các Nghị quyết về phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ... Nhờ vậy, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã ngày càng ổn định và có bước phát triển vững chắc.

Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo đã có những chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư phát triển hơn; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh, tốc độ phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân tộc được kiềm chế; nhiều tỉnh đã cơ bản giải quyết được những bức xúc về nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, việc làm…, đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét