Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

CẢNH GIÁC TRƯỚC THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC


Trên một số trang mạng chống đối tiếp tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc về sự kiện này, nêu ra những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của một số cán bộ rồi suy diễn, cho rằng, sự hy sinh của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược là vô nghĩa, không cần thiết...

Có đối tượng còn xuyên tạc về hòa hợp dân tộc bằng cách đánh đồng những người cầm súng cho Mỹ, ngụy với những liệt sĩ hy sinh vì dân, vì nước. Họ đưa ra luận điệu, chiến tranh chống Mỹ là cuộc nội chiến, người trong một nước hy sinh phải được đối xử bình đẳng, không phân biệt “bên này hay bên kia”, “bên thắng cuộc” và bên bại trận. Cần thiết cho tái xây dựng các nghĩa trang của binh lính chế độ ngụy để khỏi bị “phân biệt”, “giữ mối hận thù trong dân chúng”, “oan khuất của người đã mất”.

Thậm chí, những trang mạng còn viện dẫn bằng cách cắt xén phát ngôn của lãnh đạo cao cấp Nhà nước khi nói về hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù bằng cách không tổ chức tuyên truyền, kỷ niệm nhân dịp ngày thương binh, liệt sĩ hàng năm. Có kẻ còn cho rằng, những con số xây dựng bảo tàng chiến tranh, làm “tượng đài khắp nơi” vừa tốn kém, vừa “ngoáy lại nỗi đau” của thương binh, thân nhân liệt sĩ...

Âm mưu, thủ đoạn của chúng là tìm cách khoét sâu vào sự hy sinh cho là không cần thiết chỉ vì những người cộng sản gây ra "nội chiến" để giành quyền lãnh đạo, giành “quyền lợi” giai cấp. Chúng đâu biết, hàng triệu thanh niên trong chiến tranh chống Mỹ đã làm đơn xin được ra chiến trường chiến đấu với mục tiêu là đánh đuổi ngoại xâm, mang hòa bình cho đất nước. Lớp tuổi trẻ đôi mươi đang ngồi trên giảng đường đại học viết đơn bằng máu tình nguyện ra trận, dù biết rằng ra đi không hẹn ngày trở về. Không thể so sánh, đánh đồng những người xông pha chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp với những người cầm súng cho Mỹ chống lại đất nước, bắn giết đồng bào của mình, dù không ít trong số họ bị bắt buộc. Đưa luận điệu đó để cố tạo đồng cảm, vì tình người, nhưng thực chất là cố tình bóp méo về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta, xem đây là cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt”, “Miền Bắc xâm lược Miền Nam”.

Có người cố tình viết “hồi ký” dựng nên những câu chuyện về sự dũng cảm trong chiến đấu của thương binh nhưng bây giờ gặp hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ nhằm mục đích chế diễu, kích động, tạo phản ứng “công thần” của thương binh, gia đình chính sách, gây áp lực đối với chính quyền về đãi ngộ. Bên cạnh chăm lo về vật chất thì không thể thiếu những công trình bảo tàng, tượng đài mang tính biểu tượng tri ân của xã hội, giáo dục truyền thống lịch sử cho lớp trẻ nhưng chúng lấy những sai phạm, tiêu cực ở nơi này, nơi khác rồi bịa đặt, xuyên tạc cho đó là cái cớ “vẽ ra” để tham nhũng, lãng phí...

Một thực tế là những người hy sinh, những người có công với đất nước đang được Đảng, Nhà nước quan tâm chu đáo, dù điều kiện kinh tế đất nước đang còn nhiều khó khăn. Đó là chính sách nhất quán và được thực hiện từ trước đến nay của Nhà nước ta. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và phát động toàn xã hội thực hiện hàng loạt các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công”,  “Nghĩa tình đồng đội”, “Nhà tình nghĩa”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng”...

Ngoài ra còn có những hoạt động tri ân thường xuyên của các cấp chính quyền và xã hội đã phần nào xoa dịu những đau thương, mất mát của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với Tổ quốc. Chính sách hậu phương quân đội thực hiện từ trong chiến tranh cho đến nay đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tiếp tục thể hiện tấm lòng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”,  truyền thống đoàn kết “tương thân tương ái” của người Việt Nam.

Những luận điệu của các thế lực chống đối được tung ra nằm trong âm mưu thực hiện “Diễn biến hòa bình” nhằm chống lại Đảng, Nhà nước. Mục đích là nhằm xóa nhòa chính sách của Nhà nước; kích động, gây mâu thuẫn giữa người có công với Nhà nước, chế độ, tạo phản ứng, chống đối trong xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét