Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Chống âm mưu thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để gây “biễn biến hòa bình”


Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với dân số 13,6 triệu người, sinh sống chủ yếu ở các vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Trong những năm qua, nhằm cải thiện cuộc sống của đồng bào DTTS, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đã được triển khai và đã đạt được những thành công đáng ghi nhận.

Riêng về cơ sở hạ tầng, đến nay, hầu hết các xã thuộc vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa đã có trạm y tế, trường học, bưu điện văn hóa được xây dựng kiên cố, 90% số xã có điện lưới quốc gia, trong đó, trên 70% số hộ được sử dụng điện. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đời sống kinh tế-xã hội ở các vùng đồng bào DTTS còn chậm phát triển, khoảng cách chênh lệch về mức sống, về trình độ phát triển kinh tế-xã hội giữa các dân tộc, giữa các vùng còn cao. Đặc biệt, do chất lượng, hiệu quả về giáo dục-đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến dân trí còn thấp, không ít tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan còn tồn tại. Xuất phát từ những hạn chế này, vấn đề dân tộc luôn được các thế lực thù địch, phản động xem là “mảnh đất màu mỡ” để lợi dụng chống phá ta.

Thực tế cho thấy, với mục đích lợi dụng vấn đề dân tộc để thực hiện chiến lược “DBHB”, các thế lực thù địch đã triệt để chĩa mũi nhọn vào những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc để vu cáo các cấp chính quyền phân biệt, đối xử bất bình đẳng với đồng bào DTTS. Nhằm phân hóa khối đại đoàn kết dân tộc, thủ đoạn này được chúng thực hiện một cách tinh vi, với những chiêu thức thổi phồng, bịa đặt hoặc mập mờ, lẫn lộn thật giả.

Đặc biệt, chúng tích cực truyền bá tư tưởng phản động, kích động ly khai dân tộc, lôi kéo những phần tử xấu trong đồng bào DTTS để chống phá, tập trung vào các địa bàn chiến lược như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Mục tiêu của chúng là tạo ra những “ngòi nổ” để ém sẵn chờ cơ hội, khi có điều kiện, sẽ tạo ra điểm nóng gây rối an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS. Những sự kiện xảy ra ở Tây Nguyên (vào các năm 2001, 2004) hay sự kiện ở Mường Nhé, Điện Biên (năm 2011) là những minh chứng cụ thể.

Mặt khác, các thế lực thù địch còn ra sức dụ dỗ, lôi kéo các đối tượng có hận thù với cách mạng, tàn quân của các tổ chức phản động trước đây như FULRO, ngụy quân, ngụy quyền và các phần tử bất mãn tìm mọi cách “đầu độc chính trị” vào vùng đồng bào các DTTS và miền núi bằng cách phát tán tài liệu phản động, sử dụng mối quan hệ thân tộc, dân tộc, trong dòng họ để tạo dư luận xấu bằng cách “rỉ tai” về những cái gọi là “Nhà nước độc lập” như “Nhà nước Mông”, “Vương quốc Chăm”, “Vương quốc Khmer Krôm”, “Nhà nước Tin lành Đề Ga”…

Để gây tác động tiêu cực đến cán bộ, đảng viên và đồng bào trong vùng DTTS và miền núi, chúng đẩy mạnh hỗ trợ, chỉ đạo các nhóm phản động trong cộng đồng người DTTS lưu vong ở nước ngoài củng cố các tổ chức, hội đoàn để tập hợp lực lượng lớn mạnh nhằm tạo ảnh hưởng với cộng đồng DTTS ở trong nước. Đồng thời, dụ dỗ một số người DTTS lợi dụng các diễn đàn, hội nghị, viết bài vu cáo, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước với ý đồ “quốc tế hóa” vấn đề dân tộc ở Việt Nam, gây ra sự hoang mang, nghi ngờ, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa...

Những giải pháp cần thiết

Có thể thấy, mục tiêu trước mắt của các thế lực thù địch, phản động trong việc lợi dụng vấn đề DTTS để thực hiện “DBHB” là từng bước làm lu mờ những kết quả mang lại từ sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và cho từng gia đình, từng người DTTS, từ chăm sóc sức khỏe đến nâng cao đời sống tinh thần, tăng cường giáo dục-đào tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế. Về lâu dài, mục tiêu hướng đến của chúng là đối lập đồng bào các DTTS với sự lãnh đạo của Đảng, gây rối loạn xã hội, cụ thể là kích động bà con chống lại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo ra những điểm nóng trong vùng DTTS, gây mất ổn định chính trị, tiến tới làm mất hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Trước tình hình này, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường lãnh đạo, kiên quyết, chủ động đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch đối với việc lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá, xem đây là một “nhiệm vụ nóng” cần thực hiện ngay trước mắt cũng như lâu dài. Để phòng chống “DBHB” trên lĩnh vực này một cách hiệu quả, chúng ta phải áp dụng nhiều phương thức kết hợp mà trước hết là phải thông qua việc đưa ra các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, các biện pháp tổ chức lãnh đạo, các biện pháp hành chính, luật pháp để phòng chống có hiệu quả âm mưu của kẻ địch.

Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng và đầy đủ về những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, nhận thức rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, có biện pháp, cách thức phòng và chống có hiệu quả việc lợi dụng vấn đề dân tộc để thực hiện “DBHB”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là chiến sĩ­­­ tiên phong trên lĩnh vực này, thực sự làm gương, nhân rộng trong cộng đồng xã hội để cùng tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Đồng thời, vai trò của hệ thống Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội ở vùng miền núi, đồng bào DTTS cần phải được phát huy để làm sao, quần chúng nhận thức sâu sắc rằng, đại đoàn kết toàn dân tộc là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, được cụ thể hóa bằng pháp luật và bảo đảm trên thực tế, qua đó cùng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Vấn đề quan trọng nhất là Đảng, Nhà nước cần có thêm các chương trình, đề án hiệu quả thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc đối với đồng bào DTTS ở các vùng miền núi còn nhiều khó khăn, làm cho người dân yên tâm, phấn khởi, hoàn toàn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua­ đó, đồng bào sẽ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất phát triển kinh tế-xã hội, đấu tranh ngăn chặn những hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại chế độ, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét