Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, SUY DIỄN QUAN ĐIỂM VIỆT NAM CẦN “LIÊN MINH QUÂN SỰ”

 

Trong thời gian qua, trước các hoạt động hôm 30-6, lực lượng tuần duyên Đài Loan (Trung Quốc) vừa kết thúc một cuộc tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình - là đảo tự nhiên lớn nhất quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng trái phép từ năm 1956. Mặc dù về phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kịch liệt lên tiếng phản đối trong suốt quá trình chuẩn bị và diễn ra cuộc tập trận, song phía Đài Loan vẫn ngang nhiên lập vùng cấm bay và cấm hoạt động với máy bay, tàu bè quanh khu vực. Trên một số trang mạng lại xuất hiện những bài viết xuyên tạc về sự ‘bất lực” của Việt Nam trước hành động của Đài Loan và tiếp tục đưa ra quan điểm Việt Nam cần phải liên minh quân sự để nâng cao sức mạnh quân sự và sự răn đe, không để các nước “chèn ép”, “vượt mặt” nhất là trên biển Đông hiện nay.

Trước hết, khẳng định "Lập trường của Việt Nam đối với việc Đài Loan tiến hành bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là rõ ràng, nhất quán và được khẳng định trong nhiều năm qua. Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn vi phạm tương tự". Việt Nam đã hoàn toàn đúng đắn và có tuân thủ theo đúng quy định luật pháp quốc tế về giải quyết vấn đề trên biển không chỉ với Đài Loan mà còn với các nước trong khu vực.

 Khẳng định quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng hòa bình, tự vệ và Đảng, Nhà nước ta nhất quán quan điểm  “Không liên minh quân sự”. Song, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò để hướng lái dư luận, hòng chống phá quan điểm đó, nhất là trong tình hình hiện nay.

Họ cho rằng “Chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc”. Theo họ: Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” là nguy cấp, vì sức mạnh quân sự Việt Nam hiện nay là “quá yếu”, “lạc hậu”; vì vậy, Việt Nam cần liên minh quân sự với một nước lớn có thực lực quân sự, quốc phòng mạnh thì sẽ được hỗ trợ tối đa về mọi mặt để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo quốc gia. Rồi họ kết luận, chính sách “không liên minh quân sự” chẳng những không giữ được đất nước trước xâm lược, mà cũng không giữ nổi chế độ, nó còn làm Đảng ta “mất cả chì lẫn chài” (ám chỉ Đảng ta sẽ mất cả quyền lãnh đạo). Thậm chí, họ không ngại chỉ ra rằng: “Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ sớm ngày nào thì nguy cơ tiếp tục mất đảo, mất quyền chủ quyền trên Biển Đông cũng như nguy cơ hứng chịu một cuộc chiến tranh trên biển lẫn đất liền bị đẩy lùi sớm ngày ấy”.

Những lý lẽ trên là hoàn toàn không phù hợp với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chúng ta có thể phân tích vấn đề này trên những khía cạnh sau đây:

Một là, chủ quyền quốc gia - dân tộc là thiêng liêng và tối cao không thể phó thác cho bên ngoài, dù đó là ai. Vì vậy, vấn đề độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không thể phó thác cho bất cứ ai, mà phải do người Việt Nam tự quyết định. Điều này được Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nhất quán từ trước đến nay theo nguyên tắc “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.

Hai là, muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc thì phải nêu cao tính độc lập, tự chủ, không thể ảo tưởng trông chờ vào liên minh. Thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy, không phải cứ liên minh với một cường quốc quân sự là có thể bảo vệ được chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc của các nước trong liên minh, nhất là đối với các nước nhỏ. Cũng như hầu hết các quốc gia, các cường quốc đều đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc của họ và vì lợi ích “đại cục” mà họ theo đuổi, họ sẽ xử lý quan hệ với các đồng minh theo tiêu chí và triết lý ưu tiên lợi ích “trước hết”, “trên hết”, “cốt lõi” của họ. Trong nhiều trường hợp như vậy, không ít đồng minh của các cường quốc đã phải “lãnh đủ” hậu quả: từ sự “lạnh nhạt”, “ngó lơ”, “làm ngơ” đến “bỏ rơi”, thậm chí “phản bội” đồng minh để bắt tay với kẻ thù của cường quốc đồng minh. Điều này cho thấy một thực tế lịch sử, trên thế giới chưa bao giờ một nước nào có thể hy sinh lợi ích của dân tộc mình chỉ vì lợi ích của một dân tộc khác.

Ba là, không phải vì sức mạnh quốc phòng của ta “quá yếu” và “lạc hậu” nên phải liên minh quân sự với nước ngoài. Nếu cho rằng chỉ vì ta yếu và lạc hậu mới cần đến liên minh vậy khi ta mạnh và hiện đại có cần liên minh không? Vì thực tế cho thấy, không ít trường hợp nước lớn vẫn chủ động liên minh với nước nhỏ đấy thôi, và cũng có trường hợp nước nhỏ khước từ liên minh với nước lớn. Mặt khác, sức mạnh quân sự của một quốc gia không chỉ đánh giá bằng sức mạnh quân sự thuần túy, mà bao giờ cũng được đặt trong mối quan hệ với sức mạnh tổng hợp của quốc gia đó. Như vậy, trên bình diện sức mạnh quân sự, cũng như trên bình diện sức mạnh tổng hợp của quốc gia, sức mạnh của Việt Nam không phải là “quá yếu” và “lạc hậu” như những kẻ ác ý, hay yếu bóng vía rêu rao. Trái lại, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định và tin tưởng vào sức mạnh của đất nước và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, mà không nhất thiết phải liên minh quân sự với nước ngoài.

Bốn là, thành công của Việt Nam trong giữ vững chủ quyền, độc lập, bảo vệ lợi ích của quốc gia - dân tộc những năm qua chính là thành công của xây dựng nền quốc phòng, an ninh độc lập, tự chủ, tự cường; và thực hiện thắng lợi đường lối “đa dạng hóa, đa phương hóa” quan hệ đối ngoại. Từ thực tiễn đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Chúng ta bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định”.

Như vậy, chủ trương không tham gia liên minh quân sự là đúng đắn và phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay khi hòa bình, hợp tác, phát triển đang là xu thế chủ đạo và chủ trương đối ngoại của Việt Nam là đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thực hiện chủ trương này là cơ sở để chúng ta tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hiện nay quan hệ ngoại giao của Nhà nước Việt Nam đã “phủ sóng” tới 189 trong tổng số 200 quốc gia trên toàn thế giới. Quan hệ đối ngoại quốc phòng của Việt Nam ngày càng rộng mở; hiện có quan hệ quốc phòng với trên 80 quốc gia thuộc cả 05 châu lục, đặc biệt Việt Nam có quan hệ quốc phòng với tất cả 05 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn nhất quán và kiên trì thực hiện những quan điểm về đường lối đối ngoại của mình, bảo đảm vừa tuân thủ các nguyên tắc vừa khéo léo, linh hoạt, đảm bảo lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc. Nhờ đó, đã góp phần khẳng định vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế trên là minh chứng sống động, chân thực đập tan những luận điệu xuyên tạc, suy diễn của các thế lực thù địch lợi dụng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine để chống phá cách mạng Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét