Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

SỬ DỤNG THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHÍP ĐIỆN TỬ CÓ GÌ ĐÁNG LO KHÔNG?

 

Trước thông tin Chính phủ đang triển khai cho các bộ, nghành, địa phương phối hợp với Bộ Công an để tích hợp các giấy tờ công dân (bao gồm: tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe ô tô; giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng…) để sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng VNEID, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch (theo Thông báo số 62/TB-VPCP ngày 01/3/2022 của Văn phòng Chính phủ), đại đa số người dân ủng hộ vấn đề này cùng với chủ trương xây dựng chính phủ điện tử và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, song cũng có một số người cho rằng việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có thể bị giám sát, theo dõi và lộ bí mật thông tin. Vấn đề này có đúng không?

Trước hết, với mục tiêu chuyển đổi số liên quan đến giấy tờ, thông tin cá nhân thì nhà nước đẩy mạnh việc tích hợp hàng loạt giấy tờ, thông tin cá nhân lên CCCD gắn chíp là một vấn đề rất cần thiết và mang lại lợi ích cho cả nhà nước và nhân dân. Khi đó, người dân có CCCD gắn chíp sẽ được sử dụng thay cho thẻ BHYT giấy và nhiều loại giấy tờ, thẻ khác. Một số tiện ích được tích hợp trong thẻ CCCD gắn chíp như thẻ BHYT, BHXH, mã số thuế cá nhân, bằng lái xe... và công dân sau này chỉ cần sử dụng một loại giấy tờ duy nhất là thẻ CCCD có gắn chip. Ví dụ: khi đi khám chữa bệnh BHYT chỉ cần xuất trình CCCD gắn chíp thay vì phải xuất trình CCCD mã vạch hoặc CMND đi kèm với thẻ BHYT. Sử dụng căn cước công dân gắn chíp tạo nhiều thuận tiện cho công dân trong các giao dịch hành chính, dễ dàng sửa đổi thông tin, giúp cơ quan Nhà nước khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý dễ dàng hơn. Một tính tiện lợi nữa khi sử dụng CCCD có gắn chíp đó là mọi công dân có thể dùng điện thoại để quét mã trên thẻ gắn chip đặc biệt là trong giao dịch ngân hàng hiện nay. Đồng thời, CCCD gắn chíp cũng cho thấy một sự đột phá trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

          Về vấn đề có bị giám sát, theo dõi hay sợ lộ bí mật thông tin, đời tư hay không thì chúng ta thấy rằng: Nhà nước giám sát, quản lý công dân là việc làm đương nhiên mà bất kỳ nhà nước nào cũng đều phải làm bao lâu nay chứ không phải chỉ Việt Nam. Đó thuộc về chức năng của nhà nước. Quản lý bằng sổ sách, giấy tờ, thẻ, dữ liệu điện tử … đều là công cụ, phương tiện để quản lý. Vì vậy, quản lý qua cơ sở dữ liệu tích hợp chung trên CCCD gắn chíp chỉ là để thuận lợi hơn cho nhà nước trong công tác quản lý và tiện lợi hơn cho người dân trong các giao dịch. Chúng ta không nên hiểu là lâu nay không dùng CCCD gắn chíp thì nhà nước không giám sát, quản lý công dân. Hơn nữa sử dụng CCCD gắn chíp tích hợp nhiều loại giấy tờ đang là xu thế chung của các nước tiên tiến muốn hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử.

Mặt khác, thẻ CCCD gắn chip điện tử có độ bảo mật rất cao và khó làm giả. Mục đích của thẻ gắn chip là phục vụ công tác cải cách hành chính và phục vụ nhu cầu của công dân nên hoàn toàn không có chuyện công dân sử dụng thẻ chíp bị định vị mình đang ở đâu. Khi bị mất thẻ CCCD gắn chip này cũng không có nguy cơ lộ lọt thông tin vì chỉ có những cơ quan chức năng có thẩm quyền mới có thể chia sẻ, quản lý, khai thác thông tin công dân theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy có thể khẳng định là sử dụng CCCD gắn chíp mang lại rất nhiều lợi ích cho Nhà nước và nhân dân và không có chuyện bị theo dõi, bị lộ thông tin, đời tư như một số người lo lắng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét