Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

NHÌN NHẬN VỀ CHẾ ĐỘ SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ ĐẤT ĐAI GIAO CHO NHÀ NƯỚC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ

 

Trong các diễn đàn góp ý sửa đổi Luật Đất đai nhiều năm nay, xuất hiện một số ý kiến cho rằng nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu giống như nhiều nước khác. Không chỉ vậy, một số thế lực từ bên ngoài công kích, cho rằng, sở hữu toàn dân là không minh bạch, mù mờ, không xác định được ai là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp. Một số khác cho rằng, với các quyền của người sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013 quy định, quyền sử dụng đất chẳng khác gì quyền sở hữu tư nhân đất đai, tại sao không công nhận đó là sở hữu tư nhân về đất đai.

Những quan điểm, ý kiến nêu trên là hoàn toàn sai lầm xuất phát từ một vấn đề cốt lõi sau:

Một là, trong điều kiện nước ta đang thực hiện quá trình CNH, HĐH, đô thị hóa, việc thiết lập chế độ sở hữu tư nhân về đất đai là một yếu tố cản trở đầu tư cho phát triển KT-XH.

Hai là, sở hữu tư nhân đất đai sẽ dẫn đến kết quả không mong muốn là nảy sinh tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất công trong xã hội nảy sinh.

Ba là, trong chế độ sở hữu tư nhân đất đai, đành rằng nhà nước có thể giữ lại quyền quy hoạch mục đích sử dụng từng thửa đất và ràng buộc chủ đất thực hiện một số quy định vì môi trường sống chung, nhưng không ai có quyền ngăn cản người chủ đất sử dụng đất theo ý họ, vì đất là tài sản riêng của họ.

Quan điểm ủng hộ sở hữu toàn dân về đất đai dựa trên những căn cứ lịch sử khách quan sau:

Thứ nhất, xuất phát từ lập trường “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, nhân dân phải là chủ sở hữu đối với tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia là đất đai.

Thứ hai, sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do.

Thứ ba, sở hữu toàn dân về đất đai ít ra cũng cho ta cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn.

Thứ tư, về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc của thực tế phức tạp hiện nay về đất đai.

Thứ năm, sở hữu toàn dân không phải là sở hữu nhà nước về đất đai.

Thứ sáu, sở hữu toàn dân về đất đai đem lại nhiều lợi ích phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể của Việt Nam.

Thứ bảy, đất đai là tài sản chung của dân tộc nên không cho phép Chính phủ hay chính quyền địa phương chuyển nhượng cho người nước ngoài một cách tự do như đối với công dân Việt Nam.

Với cách hiểu như trên, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là một “phạm trù, thuật ngữ lý thuyết, trừu tượng thuần túy, không có giá trị thực thi”, càng không phải là sự giáo điều, cố gắng du nhập từ Liên Xô vào Việt Nam như một số học giả to tiếng trên một số diễn đàn.

Sở hữu toàn dân về đất đai là điều kiện nền tảng để người lao động Việt Nam có cơ sở pháp lý bảo vệ lợi ích của chính mình; đồng thời cũng là điều kiện để Nhà nước XHCN bảo vệ lợi ích của người lao động tốt nhất. Đặc biệt, Hiến pháp và luật pháp phải quy định quyền của người dân về tiếp cận thông tin về đất đai, về các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai để người dân thực thi quyền giám sát. Ở đây không nên hiểu là Nhà nước ban phát thông tin cho người dân. Ngược lại, với tư cách công bộc của dân, Nhà nước có nghĩa vụ và trách nhiệm cung cấp thông tin để báo cáo với người dân (thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng và Quốc hội) để người dân có cơ sở hiện thực giám sát hoạt động của Nhà nước.

Tóm lại, cần thống nhất quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai giao cho Nhà nước thống nhất quản lý, nhưng phải tiếp cận một cách hiện thực theo những quyền mà sở hữu đất đai có được (cũng cần nhấn mạnh rằng, các quyền này không cố định một cách cứng nhắc mà có thể thay đổi theo thời gian cũng như tính năng của đối tượng sở hữu) và phân chia quyền đó một cách hợp lý giữa người dân và cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hài hòa lợi ích giữa chủ thể sở hữu và các chủ thể sử dụng đất đai./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét