Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

MỘT CHÂN LÝ KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI

 

Ngày 30/4/1975 là một cột mốc vĩ đại, đánh dấu bước ngoặt quyết định đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, sau 47 năm, vẫn có một số tổ chức phản động, phần tử cực đoan, bất mãn chính trị vẫn cố tình xuyên tạc ngày toàn thắng 30/4, kích động lòng hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết…

Hàng năm, hễ cứ mỗi dịp đất nước kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì các tổ chức phản động, các phần tử cực đoan chính trị với những luận điệu, chiêu trò quen thuộc tiếp tục tán phát nhiều bài viết trên các trang mạng phản động. Điển hình như các đối tượng Cát Tường tán phát bài “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ còn trên bích chướng”; Jackhamer Nguyễn bài “Việt Nam ngày 30/4 bận bịu với quá khứ và chưa biết phải làm gì với hiện tại”, Dương Quốc Chính bài “Ngày 30/4 không bao giờ nên là ngày có thể ăn mừng”... nội dung xuyên tạc về ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 và những thành quả xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới cũng như những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Ngược dòng lịch sử sẽ thấy, lớp lớp thế hệ cha anh đã đoàn kết một lòng, sẵn sàng hy sinh tất cả để đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, đập tan ngụy quân, ngụy quyền, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một chân lý rạng ngời. Đó hoàn toàn không phải là cuộc “nội chiến” hai miền hay “chiến tranh mang tính ý thức hệ” như luận điệu xuyên tạc. Đó là kết quả tất yếu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam nhằm giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng đó mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Bản thân người Mỹ cũng tự nhận sai lầm của mình trong cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mắc Na-ma-ra đã công khai thừa nhận trong cuống hồi ký của mình: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Hay tướng Mắc-xoen Tay-lơ, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn phải chua chát thừa nhận: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam, và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này, mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”.

Kế thừa và phát huy tinh thần ngày Chiến thắng 30/4. 47 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, nhân dân ta đã không quản hy sinh, gian khổ quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước vào năm 2020 đã đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư trong ASEAN; là nước xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông đứng trong tốp đầu thế giới; có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều định chế kinh tế quốc tế lớn; hai lần đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và còn giữ nhiều trọng trách quan trọng trong các tổ chức quốc tế khác. Đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đứng đầu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Tròn 47 năm thống nhất đất nước cũng là chừng ấy thời gian Đảng, Nhà nước đẩy mạnh chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai.

Với phương châm: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lấy liên minh công-nông-trí làm nền tảng, đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài...Qua các kỳ Đại hội X, XI, XII và XIII của Đảng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng to lớn của đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt vai trò, đóng góp của người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài đối với đất nước. Đặc biệt, ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Mở rộng vòng tay đón nhận những người con xa quê hướng về Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để bà con trở về nguồn cội, thăm thân, thờ cúng tổ tiên, đóng góp cho quê hương đất nước; đã ban hành nhiều chính sách, cụ thể hóa và hoàn thiện các quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng thông thoáng, thuận tiện và đơn giản thủ tục; tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn tại về mua nhà ở trong nước, thừa kế, hôn nhân gia đình, nhận con nuôi... liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết có tình, có lý và trên cơ sở đạo lý Việt Nam các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại, nhằm thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tế đó là ánh sáng vạch mặt những kẻ đang cố tình chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, kích động hận thù, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Qua đó, để thấy rằng, chẳng luận điệu nào có thể làm lu mờ chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét