Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

CÓ NÊN SỞ HỮU TƯ NHÂN VỀ ĐẤT ĐAI

 

Một số người phê phán chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Họ cho rằng sở hữu toàn dân là “mù mờ vì về mặt pháp lý”, không xác định được ai là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp. Một số khác cho rằng, với các quyền của người sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013 quy định, quyền sử dụng đất chẳng khác gì quyền sở hữu tư nhân đất đai, tại sao không công nhận đó là sở hữu tư nhân về đất đai.

Những quan điểm, ý kiến nêu trên là hoàn toàn sai lầm xuất phát từ các vấn đề sau:

Điều bất lợi thứ nhất là sở hữu tư nhân về đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường sẽ dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo khiến người sở hữu quá nhiều đất, người không có tấc đất cắm dùi, nhất là tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp của người giàu nhằm bảo vệ tài sản của họ dưới hình thức là sở hữu đất. Đặc biệt, những người giàu sở hữu nhiều đất và không trực tiếp canh tác, vì họ có cơ hội làm giàu tốt hơn ở chỗ khác, sẽ quản lý đất đai bằng chế độ phát canh thu tô, phục hồi quan hệ sản xuất phong kiến.

Chế độ sở hữu gì cũng phải hướng vào mục đích tạo nguồn mưu sinh cho người dân và ổn định xã hội. Không thể hy sinh lợi ích của số đông người chỉ để có một chế độ sở hữu như các nước khác

Điều bất lợi thứ hai là xáo trộn quan hệ sở hữu, sử dụng đất đai hiện tại mà không đem lại lợi ích cho người sử dụng đất cũng như quốc gia. Lịch sử quan hệ đất đai ở Việt Nam khá phức tạp. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đa phần diện tích đất nông nghiệp thuộc sở hữu của địa chủ, tư bản. Sau cải cách ruộng đất, đa phần đất nông nghiệp được chia cho nông dân. Phong trào hợp tác hóa đã đưa hầu hết diện tích đất nông nghiệp thành sở hữu chung của xã viên hợp tác xã. Quá trình giao đất theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5-4-1988, của Bộ Chính trị khóa VI, “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”, đưa trở lại quyền sử dụng đất cho hộ nông dân theo chế độ bình quân. Bây giờ, nếu thừa nhận sở hữu tư nhân về ruộng đất sẽ phục hồi lại các vụ kiện tụng về quyền sở hữu của họ do chính Nhà nước thừa nhận trước khi vào hợp tác xã.

Thứ ba, quan điểm phê phán sở hữu toàn dân về đất đai, cho rằng sở hữu toàn dân về đất đai không tìm được chủ sở hữu, rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của Việt Nam hiện nay thực chất là chế độ sở hữu tư nhân không hợp pháp. Cái sai của quan điểm này là tính phi thực tiễn trong phê phán, thể hiện ở những luận cứ sau đây:Một là, về luận điểm sở hữu toàn dân không tìm thấy chủ thể trong các quan hệ pháp lý về đất đai. Có một điều cần nhớ rằng, chế độ sở hữu thực tế, ở nước nào cũng vậy, là do hệ thống pháp luật quy định, trong đó Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai có vai trò quan trọng xác định chế độ sở hữu đất đai. Luật Đất đai năm 2013 đã xác định rõ các căn cứ để phân định quyền hạn, lợi ích và trách nhiệm của người sử dụng đất (người được giao đất và người thuê đất), người đại diện chủ sở hữu toàn dân và người quản lý đất (cơ quan nhà nước các cấp).

Thứ tư, về mặt thực tế, duy trì sở hữu toàn dân trong điều kiện hiện nay là cách làm tốt nhất để ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Nếu tuyên bố tư hữu đất đai, sẽ diễn ra các cuộc tranh đấu đòi lại quyền sở hữu nhà, đất trong quá khứ đã tự nguyện hiến tặng cho cách mạng, sẽ có xu hướng lục soát lại những gì chúng ta đã làm trong cải cách ruộng đất, trong thu hồi đất, nhà đã chia cho cán bộ và nhân dân những năm sau chiến tranh... Chẳng có gì lý giải được tư hữu đất đai của chúng ta bây giờ tốt hơn tư hữu thời trước khi vào hợp tác xã. Càng không nên rũ rối lịch sử để rồi không đem lại lợi ích thực tế gì. Tại sao không sửa đổi theo tiến trình lịch sử, sử dụng những điều kiện đã có để tiến tới những điều kiện tốt hơn, trong đó quyền của người dân đối với đất đai vẫn được bảo toàn mà xã hội không lâm vào tình trạng bất ổn.

Theo cách hiểu như vậy thì sở hữu toàn dân về đất đai không phải là sở hữu nhà nước (và nói chung sở hữu toàn dân về các của cải khác cũng vậy). Cần phải tiếp cận sở hữu đất đai một cách hiện thực theo những quyền mà sở hữu đất đai có được và phân chia quyền đó một cách hợp lý giữa người dân và cơ quan nhà nước bằng Luật Đất đai. Nếu Luật Đất đai có quy định gì không hợp lý thì nhân dân và Nhà nước có quyền sửa đổi. Không thể đổ lỗi những hạn chế của Luật Đất đai hiện hành là do chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét