Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Luận điệu xuyên tạc công tác bầu cử trong Đại hội Đảng

 


Đại hội lần thứ XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Lợi dụng thời điểm này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động tung ra các luận điệu xuyên tạc, sai trái hòng thực hiện mục tiêu “diễn biến hoà bình” đối với cách mạng Việt Nam. Trong đó, chúng tập trung chống phá, hạ thấp vai trò, ý nghĩa của Đại hội; tấn công, xuyên tạc công tác cán bộ, công tác bầu cử trong Đảng. Một số trung tâm truyền thông lớn “hà hơi, tiếp sức” tổ chức các chương trình “Hội luận”, “Hội nghị bàn tròn”… tập hợp các phần tử phản động, “trí thức bất mãn”, các nhà “dân chủ cuội” bàn luận, tuyên truyền xuyên tạc công tác bầu cử trong Đảng ở Việt Nam.

Một số luận điệu điển hình, cho rằng: “Tổ chức bầu cử hình thức để làm gì cho tốn thời gian và tiền bạc”, rồi “Nhìn vào dàn nhân sự mà Bộ Chính trị đã duyệt vào các chức vụ Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh và các bộ, ban, ngành ở Trung ương, thì không trông chờ gì ở Đại hội XIII”; hay “Đảng Cộng sản Việt Nam sợ hãi tranh cử trong Đảng. Quản trị quốc gia mà không có tranh cử công khai thì không chọn được người tài. Không có tranh cử công khai là kìm hãm sự phát triển của đất nước”. Liên hệ cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vừa qua, các đối tượng này cũng xuyên tạc “Bầu cử tổng thống Mỹ giúp bổ túc kiến thức chính trị dân chủ cho Việt Nam” để xuyên tạc công tác bầu cử ở Việt Nam và bầu cử trong Đảng là không dân chủ, công tác nhân sự được áp đặt từ trên xuống dưới.

Chúng ta khẳng định: công tác bầu cử, lựa chọn cán bộ trong Đảng là dân chủ, khách quan. Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng quy định quy chế bầu cử trong Đảng, chỉ rõ: “Bầu cử trong Đảng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán. Kết quả bầu cử từ chi bộ đến đảng bộ trực thuộc Trung ương phải được chuẩn y của cấp uỷ có thẩm quyền theo quy định” (Điều 2). Hay Luật số 85/2015/QH13, ngày 25/6/2015 của Quốc hội quy định nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp quy định: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (Điều 1).

Mặt khác, các đảng viên của Đảng đều có quyền ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo theo quy định của Đảng, hay công dân có quyền ứng cử, bầu cử vào cơ quan nhà nước theo luật định. Với quy định chặt chẽ dựa trên nguyên tắc cụ thể, rõ ràng như vậy thì bầu cử ở Việt Nam và bầu cử trong Đảng, đảm bảo thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của đa số để lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Thực tế cho thấy, công tác lựa chọn nhân sự, cán bộ, bầu cử của Đảng được thực hiện trên một quy trình chặt chẽ, công phu, tỉ mỉ, trách nhiệm, được thực hiện trên nguyên tắc vốn là sức mạnh, tiến bộ của chế độ, phát huy được nguyện vọng, ý chí tập thể là nguyên tắc tập trung dân chủ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét