Có những "cô tiên", "ông
bụt" xuất hiện lúc thiên tai bão lũ, được ca ngợi và tôn vinh. Nhưng có
những con người vô danh, thầm lặng hy sinh và cống hiến, không mấy ai biết đến
họ…
Xin trân trọng giới thiệu bài viết “Họ không
là ông bụt, cô tiên và không xuất hiện trên Facebook bao giờ” của tác giả Lê
Thanh Phong đăng trên báo điện tử Người Lao động, số ra ngày 01/11/2020.
Thiên tai ập đến với quá nhiều đau thương,
nhưng trong đó có những cái đẹp của lòng nhân ái ủi an những đau thương đó.
Có những người làm việc từ thiện, cứu trợ bà
con thiên tai được nhiều người biết đến. Người nổi tiếng càng được nhiều người
biết đến và ca ngợi như "cô tiên", họ cũng xứng đáng được ca ngợi và
ngưỡng mộ. Nhưng có những những hiệp sĩ không ai biết đến vì họ thầm lặng cống
hiến, hy sinh, đối mặt với gian khổ.
Những thanh niên trai trẻ hiền lành và vô
danh, không ai biết tên của họ, không để ý đến gương mặt của họ, không hiểu hết
những gian nguy mà họ trải qua.
Những thanh niên trai trẻ này không có thời
gian, cũng không quan tâm chụp cho mình tấm ảnh đang cứu nạn để đưa lên
Facebook. Họ phải tranh thủ từng ngày, từng giờ để cứu người gặp nạn, tìm kiếm
thi thể người bị nạn. Họ phải giành giật mạng sống của người bị mất tích với
tia hy vọng le lói.
Họ giúp dân tìm kiếm tài sản, dựng lại nhà cửa
để ổn định cuộc sống. Họ đi đến các trường học, giúp thầy cô giáo dọn bùn đất,
để cho học sinh có thể trở lại trường sớm nhất.
Lũ lụt, lở đất cắt đứt hệ thống giao thông ở
miền núi, vùng sâu vùng xa. Những nơi xa xôi và nguy hiểm không ai đến được,
nơi đó có mặt những anh bộ đội, dân quân. Những nơi bà con thiếu cái ăn vì bị
cô lập, chỉ có bộ đội, dân quân đưa lương thực đến.
Đến hôm nay, những con người vô danh đó đang
tiếp tục tìm kiếm những công nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3. Trước đó,
họ đã tìm được thi thể 13 người hy sinh khi đi làm nhiệm vụ ở trạm kiểm lâm 67,
gần Rào Trăng 3.
Những con người vô danh ở Quảng Trị đã đưa
được 22 chiến sĩ của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 trong đống đất đá ngổn ngang
về với gia đình, đồng đội.
Những con người vô danh cắt rừng đến điểm sạt
lở để tìm người mất tích ở Trà Leng, Phước Sơn.
Không chỉ tìm kiếm người mất tích, cứu trợ lương
thực cho bà con vùng bị cô lập. Hiện nay, do tình hình thời tiết bất lợi, không
thể vận chuyển bằng trực thăng. Sáng sớm ngày 1.11, lực lượng cứu hộ gùi cõng
hàng hóa vượt núi tiếp tế lương thực cho 3.000 hộ dân 2 xã Phước Thành và Phước
Lộc, Phước Sơn, Quảng Nam.
Người có lòng hảo tâm bỏ tiền ra cho một bao
gạo là rất quý, người vác bao gạo đó vượt hàng chục km băng rừng, vượt núi để
đưa đến với bà con không thể tính công.
Đừng ai nói rằng họ phải thi hành nhiệm vụ.
Đương nhiên là làm nhiệm vụ, nhưng các anh phải đối mặt với hiểm nguy, chỉ một
vụ lở núi bất ngờ là mất mạng. Các anh có thể phải đổi mạng mình để cứu mạng
dân đấy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét